Sau một ngày tạm nghỉ, ngày 15/12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện, SN 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và 22 đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi đối với hàng ngàn bị hại liên quan trong vụ án.
Theo đó, HĐXX xét hỏi các bị hại ở 26 dự án gồm: Alibaba Long Thành Capital; KDC Trường Cao đẳng Quốc tế Lilama; Alibaba Song Long Residence; Alibaba Tân Thành Center City 5; Alibaba Tân Thành Riverside; Alibaba Tân Thành Center City 4; Alibaba An Phước Eco Park; Alibaba Bàu Cạn Riverside; Alibaba Phú Mỹ Central City 3; Alibaba Long Phước +LP1+Plong; Alibaba Long Phước 2; Alibaba Long Phước 3; Alibaba Long Phước 4; Alibaba Long Phước 5; Alibaba Long Phước 6; Alibaba Long Phước 7; Alibaba Long Phước 8; Alibaba Long Phước 9; Alibaba Long Phước 10; Alibaba Long Phước 11; Alibaba Long Phước 12; Alibaba Long Phước 13; Alibaba Long Phước 14; Alibaba Long Phước 15; Alibaba Long Phước 16; Alibaba An Phước.
Có 1.483 người được xác định là bị hại trong 26 dự án này. Tòa tiến hành đối chiếu số tiền của các bị hại nộp vào 26 dự án và yêu cầu của bị hại.
Theo ghi nhận, số lượng bị hại đến tòa ngày càng đông, trong đó có nhiều người không phải là bị hại của 26 dự án nói trên.
Lý do là trước đó, chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Trần Minh Châu cho biết, trong thời gian thụ lý vụ án, HĐXX vẫn liên tục nhận được đơn tố cáo từ các khách hàng của Công ty Alibaba, đây là các bị hại chưa được cơ quan điều tra xác định.
Tuy nhiên, để tránh mất thời gian và tạo áp lực cho lực lượng hỗ trợ, tòa sẽ dừng tiếp nhận đơn từ trưa thứ 6 (ngày 16/12). Do đó, nếu các khách hàng chưa kịp nộp đơn, nếu thấy cần thiết thì nộp đơn ra tòa giải quyết bằng 1 vụ kiện dân sự khác.
Bà V., là một trong những bị hại đến tòa hôm nay cho biết, bà nay đã gần 80 tuổi và đã lấy toàn bộ số tiền dưỡng già đề mua đất của công ty Alibaba, giờ xảy ra chuyện, bà chỉ mong nhận lại số tiền đã đầu tư.
Theo bà V., do người quen giới thiệu và thấy giá đất mà Công ty Alibaba bán cũng rẻ nên bà quyết định mua đất.
Nhiều bị hại khác khi được HĐXX và đại diện VKS hỏi có yêu cầu gì không về các quyền lợi của mình, họ cũng mong được nhận lại tiền. Có người xin nhận lại phần tiền gốc đã mua đất, nhưng có người cũng mong tòa trả thêm cả phần lãi từ số tiền mình đã đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người quyết đòi lại đất vì cho rằng Luyện không lừa đảo, và vì các dự án mà mình mua là có thật.
Bà N.T.A.T. khi được tòa hỏi đến đã khẳng định Nguyễn Thái Luyện không lừa đảo mình. Theo bà T., khi mua bà có đi xem đất và dự án bà mua nằm ngay quốc lộ 51, trong quy hoạch đất ở của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nên có thể chuyển thổ cư được trong thời hạn 1 năm kể từ lúc bà mua.
Trước yêu cầu này, đại diện VKS giải thích: “Đất mà bà mua là Công ty Alibaba quảng cáo, còn cơ quan chức năng xác định không có dự án đó. Đối tượng trong hợp đồng của bà không có thật.
Một bị hại khác tên Đ. khi được hỏi đến cũng khẳng định mình không bị lừa. Bà Đ. cho biết mình đã mua 60 lô đất của Công ty Alibaba với giá 9 tỷ đồng. “Tôi đề nghị được nhận lại toàn bộ số đất đã mua và xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”, bà Đ. nói.
Trước yêu cầu này, đại diện VKS giải thích, khi ký hợp đồng với khách hàng tại các dự án mà Công ty Alibaba quảng cáo là đất ở nhưng cho tới thời điểm mở phiên toà này thì các thửa đất bà mua vẫn là đất nông nghiệp và không có dự án như Công ty Alibaba quảng cáo.
“Các cơ quan nhà nước chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở là không có, chưa nói gì đến chuyện đầu tư hạ tầng cơ sở để làm dự án. Đối tượng trong bốn hợp đồng của bà không có thật, bà nhất định đòi những thứ không có thật thì bà có từ chối quyền của mình hay không nếu như HĐXX không có đất để giao cho bà”, đại diện VKS hỏi.
Trước câu hỏi trên của đại diện VKS bị hại này cho biết sẽ theo quyết định của HĐXX.
Phiên tòa xét hỏi với gần 1.500 bị hại trong 26 dự án nói trên sẽ được tiếp tục vào ngày mai (16/12).