Ngành dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế
Tại Hội nghị thường niên năm 2022 của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) sáng 16/12, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA cho biết, năm 2022, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội nói riêng và ngành dịch vụ logistics nói chung đã vượt qua một cách mạnh mẽ, tiếp tục giữ đà tăng trưởng và phát triển bền vững, xứng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế.
Theo ông Hiệp, năm qua, VLA cũng đã khẳng định vai trò Hiệp hội đầu tàu trong công tác phản biện chính sách, với kết quả thành công qua việc Tp.HCM và Hải Phòng miễn, giảm thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển áp dụng cho hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.
Trong nhiều năm, VLA đã kiên trì khuyến nghị Chính phủ về việc kiện toàn bộ máy quản lý dịch vụ logistics và kết quả là từ 1/12/2022 Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động ngành logistics qua Nghị định số 96.
Một thành công khác trong quan hệ hợp tác quốc tế là Đại hội của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) ở Busan tháng 9/2022 đã nhất trí chọn Việt Nam là nơi đăng cai Đại hội FIATA World Congress 2025 (FWC 2025), dự kiến diễn ra tại Hà Nội.
Đánh giá cao vai trò của VLA trong phản biện xây dựng chính sách, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, đây là đóng góp quan trọng của VLA trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics, đơn cử như vấn đề thu phí hạ tầng, tháo gỡ khó khăn từ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đề xuất phát triển đội tàu container quốc tế, góp phần kiện toàn công tác quản lý nhà nước về logistics…
Nhấn mạnh ý nghĩa lớn của VLA trong giành quyền đăng cai FWC 2025, ông Hải khẳng định đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước có cơ hội kết nối với doanh nghiệp nước ngoài.
Chỉ ra những thách thức với ngành logistics năm 2023 và giai đoạn tới, ông Hải đánh giá logistics đang nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, từ Trung ương, Bộ ngành đến địa phương.
Đầu tư vào hạ tầng logistics được đẩy mạnh như trong hoàn thiện đường cao tốc, sân bay, cảng biển, trung tâm logistics. Sản xuất và thương mại của Việt Nam vẫn trên đà gia tăng, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn cần sử dụng dịch vụ logistics. Lực lượng doanh nghiệp trong ngành tăng nhanh, lớn mạnh và có thêm các hiệp hội ra đời, trong đó có cả Hiệp hội khá đặc thù như phát triển nhân lực logistics.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà ngành phải đối mặt, như kinh tế thế giới suy thoái do tác động của chiến sự Nga - Ukraine, khả năng tác động đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu, gây ra tác động dây chuyền đến dịch vụ logistics.
Cước vận tải container giảm, tuy nhiên các yếu tố bất ổn đe dọa tính bền vững của chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu. Bên cạnh đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại là trào lưu tất yếu, sẽ tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics.
Với cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp logistics cũng phải nắm bắt để kịp thời nâng cấp, cập nhật, ví dụ các hãng tàu trong việc sử dụng nhiên liệu, các doanh nghiệp giao nhận chuyển sang sử dụng xe điện, các trung tâm logistics chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế,…
Cùng với đó, ông Hải nhấn mạnh sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam và doanh nghiệp logistics nước ngoài là rất gay gắt, trong khi chính doanh nghiệp Việt Nam lại chưa vươn ra thị trường quốc tế.
“Chúng ta đang quanh quẩn trên chính sân nhà và đến một lúc nào đó sân nhà sẽ trở nên chật chội. Bởi vậy, doanh nghiệp logistics Việt cần mạnh dạn tiến ra thị trường quốc tế để gia tăng thị phần, có thêm nhiều cơ hội chứ không chỉ quanh quẩn mỗi thị trường trong nước”, ông Hải gợi ý.
Bên cạnh đó, theo ông Hải, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với xu hướng M&A. “Một mặt, đây công cụ tốt để tăng tốc độ tích tụ vốn, mở rộng quy mô doanh nghiệp để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics, sống cũng làn sóng "nuốt" các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí các doanh nghiệp vừa và lớn”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận.
NNhiều khó khăn trong năm 2023
Tại hội nghị, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực VLA cho biết, năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ VIII (2021-2024), kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội, năm đầu tiên Hiệp hội triển khai việc chuẩn bị đăng cai FWC 2025 - một sự kiện có ý nghĩa nâng tầm Hiệp hội, năm nền kinh tế có bước phát triển mới sau đại dịch Covid-19 tạo động lực mạnh mẽ cho ngành dịch vụ logistics nước ta.
Tuy nhiên năm 2023, ngành dịch vụ logistics cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của quan hệ cung cầu thế giới. Vì vậy, ông Khoa cho biết phương hướng hoạt động của Hiệp hội sẽ tập trung vào các nội dung cụ thể.
Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội trong công tác phản biện chính sách xã hội. Trọng tâm vào công tác giảm chi phí logistics, công tác phát triển ngành dịch vụ logistics, công tác hải quan.
Tập trung kiến nghị Chính phủ bình ổn giá xăng dầu, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu trong năm 2023; có chính sách ưu tiên riêng đối với mặt hàng này dành cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, logistics. Qua đó giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển, góp phần giảm chi phí logistics, vì xăng dầu chiếm từ 30-35% chi phí vận tải.
Đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ thứ ba về nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, ông Khoa cho biết, các doanh nghiệp hội viên tích cực thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh doanh giao nhận vận tải truyền thống sang kinh doanh mới với ứng dụng khoa học công nghệ số, hiện đại.
Do đó, cần sớm triển khai các hệ thống có tính năng kỹ thuật cao hơn (trên thực tế không khác nhiều với các Global Forwarders), thông qua hình thức thuê phần mềm như dịch vụ (SaaS) đồng thời tham gia vào các nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu hiện đang hoạt động.