Trường đua ngựa Happy Valley của Hồng Kông (Trung Quốc) đã ngập tràn mùi hương của bia tươi. Các quán bar “xập xình” tại quận Lan Kwai Fong đã lên đèn nổi nhạc. Ngay cả Sevens - giải bóng bầu dục hoành tráng, một biểu tượng của phong cách sống Hồng Kông cuối cùng đã trở lại.
Sau hơn hai năm đại dịch, nhiều hoạt động bị đình trệ, hiện nay Hồng Kông (Trung Quốc) muốn chứng minh mình vẫn là “thủ đô sự kiện” của châu Á.
Chỉ số Hang Seng tăng điểm trở lại. Thị trường kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Nhưng đằng sau những dấu hiệu đầy hy vọng đó là một thực tế khó khăn.
Ảnh: Isaac Lawrence/AFP/Getty
Khi tình hình đại dịch ‘nguội bớt”, Hồng Kông đã khoác áo mới - trở thành một thành phố kém tự do hơn, ít hội nhập quốc tế hơn và không còn sức hấp dẫn đối với một số doanh nghiệp đầu tư nữa.
Kể từ năm 2020, hàng chục nghìn người đã rời khỏi thành phố này. Trong số họ có rất nhiều chủ ngân hàng, luật sư và các chuyên gia đa dạng ngành nghề khác nhau - những người từng biến Hồng Kông trở thành một nơi “giao thoa” văn hóa quốc tế hàng đầu châu Á. Tính đến tháng 6, dân số thành phố đã giảm khoảng 216.000 người (tương đương 2,8%) xuống còn 7,3 triệu người.
Trong khi đó, hơn 60 công ty quốc tế đã chuyển trụ sở của họ ra khỏi Hồng Kông. Chưa hết, dựa vào một khảo sát, nhiều hơn 12 công ty quản lý quỹ đã chuyển các chi nhánh khu vực hoặc văn phòng đại diện của họ ra khỏi thành phố này.
Theo dữ liệu của chính phủ, số lượng người nước ngoài làm trong ngành dịch vụ tài chính đã đăng ký xin visa mới tại Hồng Kông chỉ còn 1.894 người trong 9 tháng đầu năm - giảm 50% so với ba năm trước.
Rất nhiều nhà đầu tư, triệu phú, người làm kinh doanh đã đổ về Singapore làm việc trong thời gian gần đây. Điều này khiến Singapore thay thế Hong Kong trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Dù cho thị trường chứng khoán có phần sôi động trở lại, cuộc sống tại Hồng Kông vẫn khó có thể quay về lại như trước. Các du khách vẫn phải xét nghiệm Covid bắt buộc, đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Đặc biệt là biên giới giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vẫn đóng cửa, khiến thành phố này khó quay trở về thời kỳ hội nhập huy hoàng trước đây.
Ảnh: Paul Yeung/Bloomberg
Theo dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội của Hồng Kông sẽ giảm 3,2% trong năm nay. Giá nhà cũng giảm 18% so với mức đỉnh của năm ngoái. Thậm chí Goldman Sachs còn dự đoán tình trạng sụt giảm sẽ còn tồi tệ hơn.
Gary Ng Cheuk-yan, một nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Natixis đã đồng ý rằng Hồng Kông đã tụt hậu so với các khu vực khác. Vì vậy nền kinh tế sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến để có thể hồi phục hoàn toàn.
Ngành khách sạn vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid, giờ đây lại phải vật lộn khó khăn để thu hút nhân công quay trở lại. Trong một cuộc họp báo với các chuyên gia trong ngành và giới truyền thông vào tháng 10, Aron Harilela - chủ tịch của Harilela Hotels cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự ra đi ồ ạt của nhiều nhân tài. Thu hút họ đến với Hồng Kông là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay”.
Gần đây, tân lãnh đạo Hồng Kông John Lee đã cố “đánh bóng” tên tuổi của thành phố này như một trung tâm kinh doanh quốc tế để thu hút vốn đầu tư. Ông cũng đưa ra nhiều quyết sách lớn để hiện thực hóa điều này: gỡ bỏ một số hạn chế phòng chống Covid, bao gồm cả việc cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với những người nhập cảnh.
Ông Lee cũng có kế hoạch nới lỏng các quy định về thị thực và giảm thuế trước bạ cho người nhập cư khi mua bất động sản tại Hồng Kông. Theo ông, việc mở lại biên giới với Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới.
Hiện tại, du khách cũng có nhiều dấu hiệu sẽ dần trở lại thành phố này. Số lượt khách trung bình hàng ngày tại sân bay quốc tế Hồng Kông đã tăng lên khoảng 20.000. Đây là con số “vượt bậc” so với 70 lượt khách vào tháng 3, theo Cục quản lý xuất nhập cảnh Hồng Kông.
Nhiều chuyên gia tuyển dụng cho rằng tình hình đang lạc quan hơn. Hồng Kông hiện vẫn có nhiều địa điểm kinh doanh lâu năm, thuế thấp và có tiềm năng tiếp cận Trung Quốc - những khu vực có thể sẽ thu hút giới đầu tư và chủ doanh nghiệp.
Theo Loretta Chan, giám đốc công ty nhân sự Wellesley Partners, Hồng Kông dần được mọi người quan tâm trở lại, đặc biệt là những người nước ngoài vừa rời khỏi châu Âu, Luân Đôn. Rất nhiều người đã có tín hiệu quay về Hồng Kông.
Alan Schmoll - một cựu nhân viên ngân hàng đã sống ở Hồng Kông từ năm 2009 đến năm 2014 đang cân nhắc quay trở lại đây. Hiện anh đang làm việc tại thành phố Melbourne, Úc. Tháng 11 vừa qua anh đã quay trở lại thành phố này để kinh doanh và xem sự kiện thể thao Hong Kong Sevens.
Ảnh: Lam Yik/Bloomberg
Schmoll nói rằng chuyến đi đã thành công tốt đẹp. Anh đã hoàn thành rất nhiều công việc kinh doanh và có một bữa tiệc vui vẻ tại Boomerang, một “club nổi tiếng” tại quận Lan Kwai Fong, sau một cuộc xét nghiệm Covid tại cửa.
Anh cho biết Boomerang đã chật kín người, dường như cuộc sống và hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông đang dần trở lại bình thường.
Hồng Kông hiện đã có nhiều biện pháp để mở cửa nhưng nhiều nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, các nhà kinh tế cảnh báo rằng có thể sẽ mất hơn một năm để nền kinh tế phục hồi trở lại mức trước khi có đại dịch toàn cầu.
Theo dự đoán, các ngành đã trải qua giai đoạn “suy sụp” nhất chẳng hạn như bán lẻ, du lịch, khách sạn và hàng không, sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ nhất. Trong khi ngành ăn uống và bảo hiểm cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc mở cửa lại biên giới.
Liệu Hồng Kông có thể lấy lại thời gian đã mất và vị thế ngày xưa hay không? Đây sẽ còn là một ẩn số.
Tham khảo: Bloomberg