Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: REUTERS
Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong giai đoạn 2023-2027 lên 43.000 tỉ yen (khoảng 315 tỉ USD), tăng 15.500 tỉ yen so với giai đoạn 2019-2023.
Trong đó, khoảng 5.000 tỉ yen (36 tỉ USD) sẽ được sử dụng để chế tạo các tên lửa tầm xa có thể phóng từ bên ngoài tầm bắn của kẻ thù và mua tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ chế tạo có tầm bắn lên tới khoảng 1.600 km.
Trong dự toán ngân sách tài khóa 2023, Nhật Bản dự chi số tiền kỷ lục khoảng 6.500 tỉ yen (47 tỉ USD) cho quốc phòng (chưa bao gồm các khoản chi cho việc tái phân bố các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản), tăng 1.300 tỉ yen so với năm tài khóa 2022.
Theo Hãng tin Reuters, đây là kế hoạch quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến II của Nhật Bản. "Đó là câu trả lời của tôi cho những thách thức an ninh khác nhau mà chúng ta đang phải đối mặt", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói, đồng thời mô tả Nhật Bản và người dân đang ở một "bước ngoặt trong lịch sử".
Nhật Bản đang lo ngại Nga tạo ra tiền lệ khi tấn công Ukraine, qua đó khuyến khích Trung Quốc tấn công Đài Loan và đe dọa các đảo lân cận của Nhật Bản. Việc này sẽ làm gián đoạn nguồn cung chất bán dẫn và có khả năng bóp nghẹt các tuyến đường biển cung cấp dầu cho Trung Đông.
"Thách thức chiến lược do Trung Quốc đặt ra là thách thức lớn nhất mà Nhật Bản từng đối mặt", Hãng tin Reuters trích bản kế hoạch quốc phòng của Nhật.
"Cuộc chiến Ukraine đã cho chúng ta thấy sự cần thiết của việc có thể duy trì một cuộc chiến, và đó là điều mà Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng", ông Toshimichi Nagaiwa, một vị tướng Không quân đã nghỉ hưu cho biết. "Nhật Bản đang xuất phát muộn, giống như chúng ta bị tụt lại 200 mét trong cuộc chạy nước rút 400 mét".
Ông Yoji Koda, cựu đô đốc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải, người chỉ huy hạm đội Nhật Bản vào năm 2008, cho biết nếu kế hoạch quốc phòng được thực thi một cách phù hợp, Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản sẽ là lực lượng có "hiệu quả ở đẳng cấp thế giới".
Các mặt hàng trong danh sách mua sắm quân sự của Nhật Bản trong 5 năm tới bao gồm tên lửa đánh chặn để phòng thủ tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái tấn công và trinh sát, thiết bị liên lạc vệ tinh, máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35, máy bay trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay vận tải hạng nặng.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ dự trữ phụ tùng thay thế và các loại vũ khí, mở rộng năng lực vận chuyển và phát triển khả năng chiến tranh mạng.
Để chi trả cho thiết bị đó, chính quyền ông Kishida cho biết sẽ tăng thuế ở nhiều lĩnh vực.
Kế hoạch của Thủ tướng Kishida sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP trong 5 năm, vượt qua giới hạn chi tiêu 1% tự đặt ra từ năm 1976.
Kế hoạch mới cũng sẽ tăng ngân sách của bộ quốc phòng lên khoảng 1/10 tổng chi tiêu công ở mức hiện tại và sẽ đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản vào đầu thế kỷ này, và hiện có ngân sách quân sự lớn hơn gấp 4 lần. Các nguồn tin quân sự nói với Hãng tin Reuters rằng các vấn đề cấp bách nhất mà Nhật Bản phải giải quyết đó là quá ít đạn dược và thiếu phụ tùng thay thế. Việc này có thể khiến máy bay phải hạ cánh và các thiết bị quân sự khác ngừng hoạt động.
TTO - Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được cho đã chỉ đạo tăng ngân sách quốc phòng và các biện pháp bổ sung lên mức tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm.
Xem thêm: mth.95560528161212202-gnohp-couq-hcas-nagn-hnam-gnat-nab-tahn/nv.ertiout