Toàn cảnh phiên thảo luận.
Sau phiên Khai mạc và tham luận, nửa cuối buổi sáng 17/12/2022 diễn ra phiên thảo luận chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Điều hành phiên thảo luận, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đặt vấn đề, trong phần tham luận, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có bài phát biểu tâm huyết với văn hóa nông thôn. Đây là cấu phần vô cùng quan trọng của văn hóa, nếu nói rằng không đầu tư cho văn hóa, trong đó có văn hóa nông thôn cũng không đúng. Bởi hiện nay có một chương trình rất lớn là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, trong đó có rất nhiều tiêu chí, những cấu phần liên quan đến văn hóa.
Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội đặt câu hỏi cho KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam: “Từ góc độ của một kiến trúc sư, ông nhìn nhận như thế nào về cái sự đầu tư này, đặc biệt là những thiết chế liên quan tới góc nhìn của kiến trúc sư?”
Trả lời câu hỏi, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Thúc Hào ủng hộ quan điểm cho rằng, Việt Nam chúng ta mới hình thành văn minh, văn hóa đô thị khoảng 100 năm nay…
Theo Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Thúc Hào, thành tựu của nông thôn mới ở nước ta thời gian qua mới chỉ thiên về lượng. Giờ đây, chúng ta nên cần thiên cả về chất. Chúng ta nên xây dựng luận chứng thẩm mỹ đi kèm với quy hoạch kiến trúc nông thôn…
Ông Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh, chỉ có như vậy, quy hoạch kiến trúc mới thực sự trở thành hoa của đất, mỗi một vùng nông thôn sẽ có một cái hương sắc. Bên cạnh đó, bản chất quá trình đô thị là một quá trình liên tục. Đô thị hóa nông thôn nếu chúng ta kiểm soát tốt, có khả năng tự cân bằng và điều chỉnh, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực nữa.
Về nội dung này, ông Lê Quang Minh Hội thảo đặt câu hỏi cho Bà Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, một người rất tâm huyết với văn hóa nông thôn: “Thưa Bà Nguyễn Thị Phương Châm, trong tham luận của Bà nêu rất rõ một nguy cơ khi chúng ta làm mông thôn mới. Đó là chúng ta cứng hóa các tiêu chí liên quan đến văn hóa. Đơn cửb như quy định của tiêu chí nhà ở là 3 cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) và như vậy, có thể loại bỏ nhiều thực hành văn hoá truyền thống liên quan đến nhà ở và phong tục của người dân.
Những ngôi nhà sàn của người Thái ở Sơn La, những ngôi nhà trình tường của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, người Hà Nhì ở Lào Cai hay những ngôi nhà của người Mông ở Lạng Sơn, Sơn La,… đều được xem là chưa đạt chuẩn, nhiều hộ gia đình còn được vận động để phá bỏ ngôi nhà truyền thống của họ để xây những ngôi nhà đạt tiêu chuẩn 3 cứng.
Thưa Bà, với một chương trình được triển khai sâu, rộng như Chương trình Nông thôn mới, nếu chúng ta không hiểu rõ cặn kẽ thế nào lẽ những tiêu chí liên quan đến văn hóa thì thực sự là nguy hiểm. Xin bà bình luận về nội dung này?”
Trả lời câu hỏi tiêu chí cứng hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, vấn đề ông Lê Quang Minh đặt ra cũng là vấn đề Viện thực hiện một đề tài về văn hóa với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Một phần trong đề tài nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cũng rất đồng điệu với bài phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan sáng nay.
Về vấn đề này, qua thực tế nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nhận thấy rõ những hạn chế trong việc áp dụng một Bộ tiêu chí chung cho cả nước, cho tất cả các cộng đồng, cho tất cả các tộc người. Việc chưa thực sự linh hoạt cho sự chen vào trong các tiêu chí nông thôn mới của các đặc trưng văn hóa địa phương, các tri thức của các cộng đồng tộc, người địa phương thì đã xảy ra tình trạng bất cập như trong báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm đã đề cập.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nêu dẫn chứng, khi áp dụng một tiêu chí như tiêu chí nhà ở 3 cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) mà Bộ Xây dựng và Chương trình nông thôn mới đưa ra như vậy thì các ngôi nhà truyền thống mang theo tất cả những tri thức bản địa, tri thức dân gian của các tộc người sẽ có nguy cơ biến mất dần. Và người dân sẽ cũng sẽ tự ti với những vấn đề mà chúng ta đặt ra như hiện đại, văn minh và người dân tự ti với văn hóa của họ. Người ta cho rằng, ngôi nhà của mình không còn đáp ứng được tiêu chí về văn minh và hiện đại nữa.
Trong khi đó, ví dụ như ngôi nhà Trình Tường thì đấy là ngôi nhà mà ấm vào mùa đông, mát về mùa hè và gắn kết bao nhiêu những cái tri thức liên quan đến thờ cúng liên quan đến văn hóa nhưng mà dần dần thì sẽ bị phá bỏ bởi vì nó không phù hợp với các tiêu chí hay là một tiêu chí khác áp dụng cho tất cả các vùng miền.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cũng nêu dẫn chứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp ở trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát nhiều địa phương, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nhận thấy rằng, những bức tường đá rất đẹp thì bị phá hoặc là bị sơn chồng lên các màu sáng để cho đáp ứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp.
Qua phân tích, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng, việc chúng ta áp dụng một mô hình, một Bộ tiêu chí cho tất cả thì sẽ có nguy cơ là các hệ thống tri thức bản địa, tri thức địa phương của một số vùng, các tộc thiểu số và các địa phương bị mất đi trong quá trình mà chúng ta thực hiện các tiêu chí đó. Đây là một điều thực sự rất đáng tiếc khi chúng ta nhìn về văn hóa nông thôn, văn hóa các cộng đồng thiểu số.
Bình luận thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan quy định rõ hơn, chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bình luận tại thảo luận. |
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, dưới góc độ một nguồn lực cho phát triển, chúng ta đều biết văn hóa dân gian chính là nơi lưu giữ đậm nhất cái bản sắc văn hóa dân tộc.
Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại vẫn tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của mình và đóng góp rất nhiều vào sự phát triển bền vững. Chẳng hạn như lễ hội là một nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội các địa phương. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống, nơi giữ gìn bản sắc dân tộc, giáo dục truyền thống về anh hùng dân tộc nên cần được bảo tồn và phát huy.