Cơ quan thuế xác minh quá lâu
Ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - cho biết, theo quy định, thời gian hoàn thuế không quá 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế nhưng hầu hết doanh nghiệp (DN) chưa được hoàn thuế từ tháng 4 - 5/2022, một số DN chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022, tức bị chậm hoàn thuế từ 8-11 tháng.
DN chưa được hoàn VAT là do phải đợi cơ quan thuế xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng. Vifores ước tính, các DN sử dụng gỗ rừng trồng đang bị “ngâm” khoảng 1.000 tỉ đồng tiền hoàn thuế. Có DN bị chậm hoàn 40-50 tỉ đồng, có DN bị chậm hoàn 200 tỉ đồng. Trong bối cảnh khó vay được vốn từ ngân hàng, việc bị chậm hoàn VAT khiến các DN càng thêm khó khăn. Vifores đã gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, đề nghị có giải pháp tháo gỡ ách tắc trong việc hoàn thuế.
Các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp khó khăn lớn do việc hoàn thuế VAT quá chậm (ảnh chụp tại Công ty TNHH gỗ VAM Furniture) - Ảnh: Thanh Hoa |
Lĩnh vực cao su, nhựa cũng gặp tình trạng tương tự. Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận đã đóng hơn 50 tỉ đồng thuế nhưng chờ mãi, vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế. DN này thu mua mủ cao su từ nhiều địa phương khác nhau nên khi làm thủ tục hoàn thuế với Cục Thuế TPHCM, DN phải chờ cơ quan thuế đi xác minh hóa đơn ở các tỉnh, thành.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TPHCM - nguồn tiền VAT bị chậm hoàn của các DN sử dụng mủ cao su rất lớn, thời gian chờ hoàn thuế lâu hơn lĩnh vực khác do ngành thuế phải truy nguồn hàng từ nhiều nguồn cung cấp. Trong khi đó, nhiều nông dân trồng cao su trên đất không có sổ đỏ nên chính quyền địa phương không xác nhận, dẫn đến việc kiểm tra kéo dài.
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Tấn Thành (cung cấp nguyên liệu cao su) - cho biết, với 1 hợp đồng mua bán, hợp tác xã này lại nhiều lần nhận được công văn từ cơ quan thuế nhờ xác nhận, giải trình quá trình mua bán, thu tiền, vận chuyển với đối tác: “Chúng tôi vừa sản xuất, vừa cung ứng, quá trình xác minh chỉ tới hợp tác xã là hết. Nhưng nếu chúng tôi mua lại nguyên liệu của đối tác F1 thì phải chứng minh mua của F1 nào, rồi cơ quan thuế lại tiếp tục xác minh F1 đó mua của đối tác F2 nào không. Do đó, quá trình xác minh thường khá lâu”.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cũng thông tin, một số DN trong ngành này bị chậm hoàn VAT hàng trăm tỉ đồng.
Ngành thuế không nên "làm khó" doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH gỗ VAM Furniture - cho rằng, có tình trạng gỗ đi từ Campuchia, Lào, châu Phi về Việt Nam nhưng chưa được làm rõ nguồn gốc; cũng có DN gian dối, mua hóa đơn khống để được hoàn thuế nên cơ quan thuế phải xác minh. Nhưng, ngành thuế cần có giải pháp để ngăn ngừa sự gian dối này, tránh làm ảnh hưởng đến số đông DN.
“Đơn hàng trong ngành gỗ đang rất ít và đối tác thanh toán rất chậm khiến nguồn thu của DN giảm. DN mong được hoàn thuế sớm để đưa vốn vào lưu thông. Ngành thuế quản lý chặt là tốt nhưng với những DN làm tốt thì nên giải quyết nhanh, tạo thuận lợi. Không nên vì một số ít DN làm không tốt trong quá khứ mà gây thiệt thòi cho DN chân chính” - ông Nguyễn Thanh Tuấn nói.
Theo ông Trương Văn Cẩm, cần bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hóa dùng để xuất khẩu. DN nội địa bán sản phẩm cho DN xuất khẩu khác (gọi là xuất khẩu tại chỗ) phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. DN mua hàng để xuất khẩu cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm. Như vậy, cùng một đối tượng hàng hóa mà cả hai DN đều phải nộp thuế. Do đó, DN chú trọng làm hàng gia công hơn là làm hàng phục vụ cho xuất khẩu bởi khi làm hàng để xuất khẩu, họ phải nộp thuế và phải chờ hoàn thiện các thủ tục hoàn thuế về sau. Điều này kìm hãm sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường, không thể tham gia sâu vào chuỗi sản xuất trên thế giới.
Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - pháp luật quy định, việc hoàn thuế dành cho 2 đối tượng: DN xuất khẩu và DN trong giai đoạn đầu tư có vốn từ 300 triệu đồng trở lên. Nếu xuất khẩu dịch vụ, DN chỉ cần hợp đồng xuất khẩu và thanh toán qua ngân hàng; nếu xuất khẩu hàng hóa, DN cần có hợp đồng xuất khẩu, tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Pháp luật quy định rất đơn giản, ngắn gọn, cán bộ thuế nào cũng thuộc lòng nhưng cơ quan thuế vẫn xác minh đủ thứ liên quan. Không chỉ ngành gỗ, dệt may, DN ngành sắn cũng bị ngành thuế “làm khó”.
Theo luật sư Trần Xoa, đã có quy định “hoàn thuế trước, kiểm tra sau”. Ngành thuế có thể chọn hoàn thuế trước cho DN rồi hậu kiểm, nếu sai phạm thì thu hồi, phạt lãi chậm nộp. Nếu DN nào gian lận từ 100 triệu đồng trở lên, có thể chuyển qua xử lý hình sự. Làm theo cách này, vừa khiến DN không dám làm bậy, vừa đỡ tốn công xác minh.
Ông cho hay, ngành thuế còn tự đặt ra quy trình kiểm tra đầu ra xem DN có thực sự xuất khẩu sang nước ngoài hay không dù điều này không nằm trong quy định pháp luật. DN nước ngoài không có nghĩa vụ trả lời và sẽ không trả lời cho ngành thuế bởi tất cả đã được chứng minh bằng các tờ khai hải quan, hợp đồng. Do vậy, nhiều DN xuất khẩu chờ mãi mà không thể có xác nhận từ đối tác.
“DN Việt Nam có vốn rất yếu, vay khó, lãi cao. Việc chậm hoàn thuế khiến DN trong nước mất lợi thế cạnh tranh, không có tiền trả cho công nhân, trả lãi cho ngân hàng, mua nguyên liệu…” - luật sư Trần Xoa nói.
Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM - cho biết, cơ quan thuế từng phát hiện Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) gian lận tiền hoàn thuế hơn 538 tỉ đồng. Nhưng, việc gian lận này là do có 3 cán bộ thuế nhận hối lộ trong quá trình làm thủ tục hoàn VAT. Đây là sai phạm của các cá nhân tham ô, cần xử lý thích đáng nhưng không thể vì họ mà “ngâm” tiền thuế của DN, làm ảnh hưởng cả cộng đồng DN.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6190841a-euht-neit-naoh-mahc-ib-noc-nov-ueiht-peihgn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www