Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Nhà tôi, khi ấy, ở xóm biển và sát cạnh một cái chợ có tên là chợ Xổm, nhóm vào buổi chiều. Từng dãy nhà xiêu vẹo liền kề, vá chắp tạm bợ là chỗ cư trú cho rất nhiều gia đình từ các nơi đổ về.
Có thế người ta mới gọi dân ở đây là dân góp và lạ, bởi các nhà ở đây vẫn có lệ làm hang đá trong mùa Giáng sinh. Vì thế vào khoảng ngày này, thích lắm khi đi ngang chợ lúc không còn cảnh bán buôn.
Hồi ấy phải học ngày hai buổi nên cứ cơm tối xong là tôi vù ngay ra khỏi nhà. Tôi đi coi Giáng sinh qua việc dòm ngó hết hang đá nhà này đến hang đá nhà khác. Tôi ngây người, ngẩn ngơ với những hang đá nhà người.
Sao mà hay? Sao mà lạ? Mỗi nhà mỗi kiểu trang hoàng, bày biện. Mùa Giáng sinh đã như khoác lên xóm biển nghèo khổ của chúng tôi một khuôn mặt khác.
Vẫn thế con đường vào chợ, khập khễnh, nước tù đọng cá mắm tanh tưởi. Vẫn thế, những con ngõ của xóm biển cát lún ngập bước chân đi. Vẫn thế những ngôi nhà rách nát, túm tụm lấy nhau mà sao tháng mười hai về, tất cả bỗng như khác hẳn: sạch sẽ hơn, bằng phẳng hơn và nghe như còn hơi đèm đẹp.
Hang đá nhà tôi bao giờ cũng được làm muộn nhất. Khéo chỉ trước Noel có một tuần. Khi mà bà với mẹ đã tính toán đâu vào đấy việc làm cỗ gia đình lúc nửa đêm. Khi mà các chị đã xúng xính áo mới, quần đẹp để diện trong dịp lễ... các anh mới chịu bắt tay vào làm.
Cũng may được mọi người xúm vào giúp nên nhoáng đã xong phần sườn rồi tiếp tới phần bọc ngoài. Giấy dùng che hang đá thật ra là vỏ của các bao xi măng được bà mua lại của gánh đồng nát. Bà còn tháo tung, làm sạch từ khi nảo khi nào. Các anh sơn màu tối và vò nhàu giấy, trước khi dùng cho ra vẻ hang đá ấy mà! Việc trang hoàng cũng được làm rất nhanh.
Hang đá nhà tôi thường được đặt ở khoảng hè phía trước. Mẹ đi chợ về đứng nhìn cả đỗi rồi bỏ làn thức ăn, sửa một tí. Bà quét sân cũng quay người, nhìn một chốc rồi buông chổi, sửa một tị.
Anh Cả dắt xe đạp vào nhà trố mắt ngó nghiêng rồi dựng xe, lại sửa. Và chị kế... Cứ mỗi người một tí, mỗi tị. Chăm chút cho hang đá nhà mình.
Chỉ có bố là tịnh không. Đi làm thì chớ về đến nhà thay bộ pyjama, vào buồng lấy cút rượu, thong thả mở nút lá chuối và rót từng cốc nhỏ. Nhâm nhi. Hình ảnh bố giữa tiết đông với tay cầm cốc rượu, khuôn mặt trầm ngâm ngắm nhìn hang đá nhà, vẫn được ký ức tôi cất giữ cho mãi đến giờ. Và nhớ quá... Mỗi khi mùa Giáng sinh trở lại.
Trong đêm Chúa chào đời, có ngôi sao lạ dẫn đường cho Ba Vua tìm tới, quỳ lạy và dâng lễ vật. Hang đá của nhà nào cũng có ngôi sao này ngoại trừ nhà tôi. Cũng do các anh làm vội quá đây mà! Thế là tức và nhớ Giáng sinh năm ấy, tôi đã bỏ cả giấc trưa ngày hai mươi bốn, lấy giấy kim tuyến hì hục cắt, dán sao.
Tôi móc sao vào ngay cái cổng chằng chịt dây thép gai xấu xí nhà mình và cứ buồn mãi. Cổng mà còn xập xệ làm vậy, nói gì sao? Sao nào chỉ xập xệ, còn lệch nữa kìa! Nghiêng chếch thế nào mà không chỉ vào hang đá nhà mình lại chiếu thẳng sang nơi khác.
Sau mùa Giáng sinh năm ấy, nhà tôi dọn lên phố sống và bỏ hẳn lệ làm hang đá. Tôi rời khu Hai ngờm ngợp bao kỷ niệm ấu thơ. Đã mấy chục năm trôi qua, chợ Xổm đã di dời và có một tên khác. Chợ nay đã được xây cất hẳn hoi nên rất khang trang. Xóm biển ngày xưa vẫn còn, chỉ riêng sự nhếch nhác và ẩm thấp đã biến mất nhường chỗ cho những tươm tất, sạch sẽ.
Vào dịp Noel, đôi khi tôi trở về với bước chân lựng khựng và lòng chùng chình. Chắc do nỗi nhớ tự dưng trở lại và trì níu thôi mà. Nỗi nhớ những người thân, căn nhà xưa, những Giáng sinh đầm ấm... làm mắt cay mà lòng ấm sực.
Dẫu đang mùa đông và trời đang rất rét…
TTO - Gần hai tuần nữa mới tới Giáng sinh, nhưng không khí lễ hội đã hiện rõ trên nhiều đường phố. Cuối tuần, nhiều bạn trẻ Sài Gòn “lên đồ” tập trung tại các quán cà phê, trung tâm thương mại... vui chơi, mua sắm vui lễ hội sớm.
Xem thêm: mth.28253140181212202-ma-mad-hnis-gnaig/nv.ertiout