Chia sẻ này được ông Trần Bá Dương nêu tại hội thảo về thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung ngày 17/12.
Theo ông, bất cứ ngành lĩnh vực nào cũng xuất phát từ nhu cầu thị trường, sau đó tới giai đoạn gia công, sản xuất để đạt tỷ lệ nội địa hoá nhất định. Chẳng hạn, với dệt may, xuất phát từ gia công, sau đó các doanh nghiệp sản xuất cây kim, sợi chỉ để tự chủ trong chuỗi giá trị.
Còn nền công nghiệp tự chủ, theo ông, phải đi từ công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó là chuyển dịch từ gia công thông thường sang gia công cơ khí chế tạo. Trong đó, cơ khí như nền tảng, xương sống của công nghiệp hỗ trợ, còn công nghiệp hỗ trợ là bộ rễ của nền công nghiệp tự chủ. "Công nghiệp như cái cây, muốn cao khoẻ phải có bộ rễ mạnh, tức các ngành công nghiệp hỗ trợ. Nếu không có ngành hỗ trợ thì không có ngành chính", ông nói.
Chủ tịch Thaco nhắc tới những hình mẫu phát triển công nghiệp như Hàn Quốc, cũng xuất phát từ gia công cho Nhật Bản. Hay Đài Loan, nền tảng của những tập đoàn đa quốc gia trong top đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn, như Foxconn, cũng đều có xuất phát điểm là doanh nghiệp gia công, lắp ráp điện thoại, linh kiện.
Chiếc Iphone được ưa chuộng trên toàn cầu nhưng Apple chỉ nắm giữ phần lõi là thiết kế, sáng tạo và phân phối. Còn để có những chiếc điện thoại giá cả cạnh tranh, chất lượng, họ vẫn phải dựa vào những nhà gia công, lắp ráp như Foxconn.
"Gia công không mang lại lợi nhuận lớn nhưng mọi thứ đều bắt đầu từ khâu này, giúp doanh nghiệp đi từng bước trên bậc thang trở thành các hình mẫu như Foxconn", ông Dương chia sẻ.
Hiện, một số nước tiên tiến đã chuyển qua giai đoạn sản xuất chip bán dẫn, các ngành cơ khí được nhường dần lại cho các nước đủ điều kiện. Là nước đi sau, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam "startup gia công cơ khí", khởi nghiệp từ việc sản xuất các vật dụng sử dụng trong đời sống.
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, bản chất của cơ khí là liên kết, bắt tay chia sẻ. Do đó, cần hình thành những doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi cung ứng và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Nếu bây giờ Việt Nam không làm cơ khí thì không thể công nghiệp hóa nền kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Muốn đạt được điều này, cần thiết phải có giải pháp thúc đẩy ngành sản xuất, chế tạo nội địa", ông nêu quan điểm.
Đồng tình, ông Trần Bá Dương nói, cái khó của tổ chức sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo không phải ở chính sách mà nằm ở tâm huyết, cống hiến. Các doanh nghiệp lớn có trách nhiệm tạo nền tảng, hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp gia công cơ khí phát triển.
Công ty của tỷ phú Trần Bá Dương vừa lập doanh nghiệp hơn nửa tỷ USD tại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam) để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo. Từ kinh nghiệm phát triển tại Chu Lai, ông Dương nói, Thaco sẽ cởi mở, chia sẻ để các startup gia công cơ khí liên kết, phát triển không giới hạn. Công nghiệp hỗ trợ là cốt lõi khi muốn xây dựng nền công nghiệp tự chủ, nhưng phải đi từng bước.
Còn bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp), lưu ý muốn công nghiệp phát triển trước tiên phải có hạ tầng tốt. Tức là chính quyền phải đóng vai trò dẫn dắt và tạo môi trường đầu tư để các doanh nghiệp phát triển.
Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2030 sản xuất công nghiệp phụ trợ sẽ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa và chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Sẽ có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp, tập đoàn đa quốc gia trong 8-10 năm tới.
Riêng sản xuất linh kiện phụ tùng (kim loại, nhựa, cao su, điện, điện tử) cung ứng 45% nhu cầu sản phẩm vào năm 2025. Đến năm 2030, sản xuất linh phụ kiện có thể cung ứng 65% nhu cầu trong nước...
Anh Minh