Ngày 18-12, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ TT&TT.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng TT&TT, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu.
Bộ TT&TT sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam vì tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng tập trung triển khai các chiến lược được ban hành, xây dựng các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược,… hạn chế việc chiến lược làm ra sẽ chỉ "nằm trong ngăn kéo". Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi "mở cõi".
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
"Truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành thông tin và truyền thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những điểm cần cố gắng hơn nữa của ngành thông tin và truyền thông.
Trước hết, nhận thức và tổ chức thực hiện công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông chính sách để người dân hiểu, tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng thành quả từ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, số lượng nền tảng số Việt Nam còn hạn chế, chất lượng thấp. Người dân chủ yếu sử dụng các nền tảng nước ngoài, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát và quản lý chặt chẽ, dễ lộ lọt bí mật, không bảo đảm an toàn, khó xử lý khi phát sinh tranh chấp, có thể bị lợi dụng vào các hoạt động phi pháp trên không gian mạng. Doanh nghiệp công nghệ số phần lớn có quy mô nhỏ, số doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài chưa nhiều.
Việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; kết quả xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí và biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí -truyền thông chưa được như mong muốn; vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác còn khá phổ biến; những thông tin sai lệch trên mạng còn nhiều.
Ông Phạm Minh Chính yêu cầu tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông.
Thủ tướng giao ngành thông tin và truyền thông và ngành điện lực thực hiện nhiệm vụ này, "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với ngành TT&TT đó là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Tăng cường truyền thông chính sách, thông tin về các nhân tố tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu".
Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội; xây dựng cơ chế, chế tài xử lý các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2022 Bộ TT&TT đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.