Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội thảo - Ảnh: T.ĐIỂU
Đây là nội dung phát biểu của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội thảo khoa học toàn quốc Nhìn lại 15 năm thực hiện nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại tỉnh Hà Nam ngày 19-12.
Ông Nghĩa đánh giá, nghị quyết 23 ra đời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ những người sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Ông hoan nghênh Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn chủ đề rất cần thiết này để tổ chức hội thảo.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau bàn thảo, phân tích, tập trung đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện thực trạng văn học, nghệ thuật thời gian qua; chỉ ra những thành tựu, ưu điểm, cùng những bất cập, hạn chế, yếu kém, đồng thời nhận diện xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng đề xuất những nội dung mới về chủ trương, giải pháp để phát triển văn học, nghệ thuật từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nghĩa cho biết những ý kiến tại diễn đàn này sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết 23, tham mưu cho Đảng tiếp tục có những quyết sách kịp thời và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới.
Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, ông Nghĩa đánh giá với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã đạt được những kết quả tích cực.
Các lĩnh vực, các ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc.
Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy.
Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có sự nỗ lực đáng ghi nhận, từng bước khắc phục những hạn chế kéo dài; cố gắng bám sát thực tiễn, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; đồng thời phê phán các khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ….
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong nghị quyết, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đến nay đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.
Qua nghe các ý kiến phát biểu và đọc một số tham luận tại hội thảo, ông Nghĩa cho biết ông cảm nhận rõ tâm huyết, trách nhiệm, và cả sự băn khoăn, lo lắng của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đối với thực trạng và tương lai của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
"Đó là những tiếng nói cần phải được lắng nghe, chia sẻ, nghiên cứu thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc. Vì sao những hạn chế, yếu kém kéo dài đã được chỉ ra, nhưng vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản và triệt để?
Các tác phẩm mới xuất hiện nhiều hơn, nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật…", ông Nghĩa trăn trở.
Ông cho rằng bối cảnh mới hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực và điều kiện thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức tổng kết nghị quyết, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đó là văn học, nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nghĩa cũng chỉ đạo phải cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Đồng thời phải phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, định hướng, bồi đắp lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ.
"Đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ tài năng chính là nguyên khí của quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Chính anh chị em văn nghệ sĩ sẽ là lực lượng tiên phong gánh vác sứ mệnh vẻ vang, chăm lo, bồi đắp nhân cách, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; đồng thời mong muốn và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những phản biện, đóng góp xác đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ", ông Nghĩa nói.
Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo trung ương để chấn hưng nền văn hóa và văn học nghệ thuật
Tại hội thảo, một số văn nghệ sĩ, nhà quản lý đưa ra một số đề xuất để chấn hưng văn hóa và văn học nghệ thuật như PGS.TS Đào Duy Quát đề xuất trung ương thành lập Ban chỉ đạo trung ương để chấn hưng nền văn hóa và văn học nghệ thuật, nhà thơ Hữu Thỉnh - cựu chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam - đề xuất tăng đầu tư đặt hàng sáng tác, sớm có Luật văn học nghệ thuật...
TTO - Khẳng định không có phần thưởng nào được đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ quý hơn phần thưởng môi trường tự do sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành tuyên giáo kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho đội ngũ này.
Xem thêm: mth.95240754191212202-is-ehgn-nav-ohc-gnout-ut-gnohp-iaig-ed-oat-gnas-od-ut-aoh-ehc-eht/nv.ertiout