Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, tại tọa đàm - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong tọa đàm về "Thuốc lá điện tử - Nhận diện và phòng chống" do báo Tiền Phong tổ chức chiều 19-12, thầy Nguyễn Quốc Dương chia sẻ: Việc học sinh dùng thuốc lá điện tử hiện nay đã trở nên phổ biến nhưng không dễ phát hiện ngăn chặn. Có trường hợp học sinh sử dụng trong nhà vệ sinh, những góc khuất, ở nơi bố mẹ, thầy cô không biết.
Theo thầy Dương, khi bị phát hiện, nhiều học sinh cho rằng áp lực học tập, bị stress vì thầy cô, cha mẹ nên tìm một thứ giải tỏa. Nhưng điều này chỉ là ngụy biện, về cơ bản tình trạng này lây lan trong học sinh, sinh viên phần lớn do tâm lý bắt chước, muốn khám phá, thích thể hiện "ngầu" hơn bạn bè. Dần dần, một số học sinh bị lệ thuộc.
Thuốc lá điện tử thực chất là thiết bị có chứa các dung dịch tạo mùi, khi đốt cháy thì có khói. Theo thầy Dương, thiết bị này nhìn bề ngoài giống như những vật dụng thường ngày như thỏi son chẳng hạn nên rất khó nhận biết, xử lý.
Trong khi tại Hà Nội đã có những trường thẳng thừng đình chỉ học đối với học sinh ngay lần đầu sử dụng thuốc lá điện tử thì thầy Dương cho rằng cách phòng để tránh là quan trọng.
"Chi đoàn giáo viên của trường có những cuộc kiểm tra đột xuất để loại trừ việc học sinh mang thuốc lá điện tử đến trường. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về sự nguy hại, có quy định nghiêm cấm, chúng tôi phải áp dụng nhiều biện pháp, Trong đó, có lúc giáo viên phải vào nhà vệ sinh để bắt quả tang học sinh sử dụng", thầy Dương cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ hiện có hàng ngàn chất khác nhau tìm thấy trong dung dịch sử dụng cho thuốc lá điện tử.
"Năm 2020, ở Mỹ đã có một vụ ngộ độc xảy ra với gần 3.000 người bị tổn thương phổi, trong đó có 60 người tử vong được xác nhận nguyên nhân trực tiếp do thuốc lá điện tử gây nên.
Người ta đã tìm thấy trong những bộ hút (thuốc lá điện tử) có vitamin E. Nghiên cứu cho thấy vitamin E khi bị đốt cháy sẽ rất độc hại. Ở Việt Nam, cũng đã có những trường hợp phát hiện thuốc lá điện tử có vitamin E rồi", ông Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyên cũng cho biết thường xuyên có những vụ ngộ độc do thuốc lá điện tử gây nên được đưa đến cấp cứu.
"Thường chỉ có triệu chứng ngộ độc người ta mới đến bệnh viện. Những ca nặng gây tổn thương não, xuất huyết não, hôn mê kéo dài. Có trường hợp điều trị ra viện vẫn bị liệt hoặc phát sinh những bệnh mới.
Trường hợp sử dụng hóa chất chưa đến mức ngộ độc phải cấp cứu ngay nhưng có thể ảnh hưởng dần dần đến cơ thể như gây bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, tổn thương tim, rối loạn chuyển hóa, tắc nghẽn phổi mãn tính, giảm miễn dịch hay ung thư..." - ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, chất chứa trong thuốc lá điện tử có tác dụng gây nghiện. Những người sử dụng nhiều lần sẽ bị lệ thuộc.
Nguy hiểm như thế nhưng hiện nay hành lang pháp lý để ngăn chặn việc này đang lỏng lẻo.
Tại tọa đàm trên, ông Vũ Vinh Phú - nguyên phó trưởng ban thường trực Ban phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thành phố Hà Nội - cho rằng cần phải tham khảo việc quản lý, kiểm soát thuốc lá điện tử mà các nước khác đã áp dụng và có quy định để nghiêm cấm sử dụng, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điện tử.
"Cơ quan chức năng muốn thu giữ, xử phạt thì phải có cơ sở pháp lý", ông Phú nói. Theo ông, tình trạng gia tăng việc kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay xuất phát từ việc ta chưa có cơ sở pháp lý cần thiết để ngăn chặn.
Chậm vẫn còn hơn không, cần phải đưa vấn đề này vào luật để phòng chống, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện. Trong lúc chờ luật, cần phải vận dụng các quy định khác như quy định pháp lý về phòng chống buôn lậu chẳng hạn để ngăn chặn, xử lý việc này. Vì mỗi ngày lơi lỏng là có thêm nhiều người, trong đó có học sinh, sinh viên rơi vào vòng nguy hiểm của thuốc lá điện tử.
TTO - Câu chuyện chất kích thích, chất gây nghiện tấn công vào môi trường học đường, giới trẻ... tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động. Lẽ nào chúng ta bất lực?