Tại dự thảo, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu: Đến năm 2025, trong nước làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vắc xin; sản xuất được tối thiểu 3 loại vắc xin, trong đó có vắc xin phối hợp “5 trong 1” phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh do Haemophilus Influenzae (Hib) và một trong hai bệnh bại liệt hoặc viêm gan B. Đến năm 2030, làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin; sản xuất được tối thiểu 5 loại vắc xin; các vắc xin sản xuất trong nước bảo đảm đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đưa ra các giải pháp về cơ chế, chính sách cho các mục tiêu trên.
Theo đó, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, nhất là đối với vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vắc xin mới chưa có tại VN; các vắc xin phối hợp; vắc xin phòng các bệnh chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến cấp phép lưu hành, đấu thầu, mua sắm, cung ứng, sử dụng vắc xin để triển khai, thực hiện hiệu quả. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến bên cạnh công nghệ truyền thống để phục vụ sản xuất vắc xin phòng bệnh ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần và các vắc xin khác đáp ứng nhu cầu cho phòng chống dịch bệnh; có chính sách hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về nghiên cứu, sản xuất vắc xin; khai thác sáng chế, giải mã và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin; đào tạo bồi dưỡng chuyên gia về nghiên cứu sản xuất vắc xin.