Thực trạng đáng báo động
“Godoksa” hay những cái chết trong cô độc đang ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc bất chấp nỗ lực ngăn chặn của Chính phủ nước này. Tình trạng dân số già đi nhanh chóng được coi là nguyên nhân chính.
Pháp luật Hàn Quốc quy định những cái chết trong cô độc là một người sống một mình, cách xa gia đình hoặc người thân, chết do tự tử hoặc bệnh tật và thi thể của họ chỉ được phát hiện sau “một khoảng thời gian nhất định”.
Trong thập kỷ qua, những cái chết trong cô độc thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận Hàn Quốc khi số lượng ngày càng tăng. Yếu tố đằng sau điều này chính là cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước, khoảng cách về phúc lợi xã hội, nghèo đói và sự cô độc…. Tất cả những điều đó lại càng trở nên rõ ràng hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các tình nguyện viên tổ chức lễ tang cho một người chết trong cô độc. Ảnh: CNN
Báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết nước này ghi nhận 3.378 ca tử vong như vậy, tăng từ 2.412 ca vào năm 2017. Đây là lần đầu tiên báo cáo về những cái chết cô độc được công bố kể từ khi Chính phủ nước này ban hành Đạo luật Quản lý và Ngăn chặn những cái chết trong cô độc vào năm 2021. Những quy định trong đạo luật này sẽ được xem xét 5 năm một lần nhằm gia tăng tính hiệu quả của các chính sách.
Trên thực tế, những cái chết trong cô độc tại Hàn Quốc được ghi nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng báo cáo cho thấy đàn ông trung niên và cao tuổi là những người có nguy cơ đặc biệt cao. Số nam giới chết trong cô độc cao gấp 5,3 lần so với nữ giới trong năm 2021, tăng gấp 4 lần so với trước đó.
Những người đàn ông ở độ tuổi 50-60 chiếm tới 60% số ca chết trong cô độc vào năm ngoái. Nhìn chung, nhóm từ 40-70 tuổi vẫn là đối tượng lớn nhất. Những người ngoài 20 và 30 tuổi chiếm 6-8% tổng số ca tử vong.
Báo cáo đã không đưa ra những nguyên nhân cụ thể dẫn tới tình trạng này nhưng các nghiên cứu được tiến hành trong nhiều năm đang nỗ lực tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.
“Để chuẩn bị cho một xã hội ‘siêu già’, cần tích cực ứng phó với những cái chết trong cô độc”, cơ quan nghiên cứu lập pháp của Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo báo chí hồi đầu năm và nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ là nhanh chóng xác định các trường hợp bị cách ly với xã hội để có thể can thiệp kịp thời.
Những người già khốn khó
Hàn Quốc là một trong số các nước châu Á, bao gồm cả Nhật Bản và Trung Quốc, đang phải đối mặt với sự suy giảm nhân khẩu học khi người dân sinh ít con và sinh con muộn hơn.
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã liên tục giảm từ năm 2015 khi các chuyên gia đổ lỗi cho nhiều yếu tố khách nhau chẳng hạn như văn hóa làm việc khắt khe, chi phí sinh hoạt tăng cao nhưng tiền lương lại không theo kịp dẫn tới mọi người ngại sinh con.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động đang bị thu hẹp, làm dấy lên lo ngại sẽ không có đủ người để hỗ trợ số người già đang ngày một tăng lên.
Hậu quả của nó đang ngày càng trở nên rõ rệt và hàng triệu người lớn tuổi đang phải vật lộn để sinh tồn. Tính đến năm 2016, 43% người Hàn Quốc trên 65 tuổi sống dưới mức nghèo khổ.
Các tình nguyện viên đưa bài vị người quá cố lên một ngôi chùa ở Hàn Quốc.
Song In-joo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm phúc lợi Seoul, cho rằng cuộc sống của những người trung niên và cao tuổi ở Hàn Quốc đang “xấu đi nhanh chóng” khi họ bị loại khỏi thị trường lao động và thị trường nhà ở. Và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới số lượng ngày một tăng của những cái chết trong cô độc.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2021 đã phân tích 9 trường hợp chết trong cô độc và hỏi kỹ lưỡng người hàng xóm, chủ nhà và nhân viên phụ trách hồ sơ của họ. Một trong số các trường hợp liên quan đến một người đàn ông 64 tuổi, chết vì bệnh gan do uống rượu chỉ 1 năm sau khi mất việc vì khuyết tật. Ông này không có bằng cấp, không có gia đình và thậm chí không có cả điện thoại di động.
Trong trường hợp khác, nạn nhân là một phụ nữ 88 tuổi, gặp khó khăn về tài chính sau khi con trai bà qua đời. Người phụ nữ chết sau khi trung tâm phúc lợi xã hội, nơi và đang phụ thuộc để nhận các bữa ăn miễn phí, đóng cửa do đại dịch bùng phát.
Những nguyên do khiến một người có nguy cơ chết trong cô độc tới từ các vấn đề về sức khỏe, khó khăn kinh tế, mất kết nối với cộng đồng và không thể tự chăm lo cho chính mình. Bên cạnh đó, việc thiếu đi các cơ chế chăm sóc tại nhà đối với những người mắc bệnh nan y hoặc mãn tính cũng là nguyên nhân.
Điều kiện sống tồi tệ cũng góp phần dẫn tới những cái chết trong cô độc. Ở một thị trường bất động sản nổi tiếng đắt đỏ như Seoul, nhiều người phải sống trong những ngôi nhà bán hầm, nơi họ có thể sẽ chết đuối khi mưa gây ngập lụt. Điều kiện sống tồi tệ khiến họ bị cô lập hơn nữa. Chúng chính là những ngôi nhà ổ chuột ở Hàn Quốc, nơi mà mọi người đều hạn chế tiếp xúc.
Những quan ngại về những cái chết trong cô độc đã khiến nhà chức trách Hàn Quốc phải hành động trong những năm qua. Năm 2018, Chính quyền Seoul công bố một chương trình có tên “quan sát khu phố”, trong đó các thành viên sẽ tới thăm những người cô độc định kỳ. Theo kế hoạch này, chủ nhà, nhân viên và cả bệnh viện đều cùng chia sẻ vai trò giám sát.
Đạo luật ngăn chặn những cái chết trong cô độc được thông qua năm ngoái là động thái mạnh tay nhất, trong đó gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc hỗ trợ những cư dân gặp rủi ro. Hàn Quốc hy vọng sẽ sớm đạt được thành tựu với đạo luật này.
Tham khảo: CNN