Chiều 19/12, phiên xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền tiếp tục với phần bị cáo và luật sư nêu quan điểm bào chữa.
Trình bày với HĐXX, Chủ tịch địa ốc Aliababa nói mình không lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ai. Về quan điểm luận tội của đại diện VKS sáng nay, Luyện cho là rõ ràng nhưng chủ yếu tập trung vào việc phân tích hành vi mình đã thực hiện việc phân lô, tách thửa các nền đất nông nghiệp, chứ chưa nêu được căn cứ chứng minh bị cáo "có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của khách hàng". Thực tế, mọi hoạt động mua bán bất động sản của công ty diễn ra minh bạch, công khai, không có việc lừa dối. Đã có rất nhiều khách hàng nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ở trên phần đất đó.
"Mục đích của bị cáo khi khởi nghiệp và thành lập công ty là nhằm giúp người dân có thể mua được những nền đất ở vùng ven giá rẻ. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, đất này sẽ có giá trị tăng lên theo thời gian, giúp khách hàng giàu lên cũng như giúp các nhân viên của Alibaba có công việc, có thu nhập, tự chủ cuộc sống chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của ai", Luyện nói.
Bị cáo đề nghị HĐXX cho phép tiếp tục thực hiện các giao dịch dân sự, trả lại cho bị hại các nền đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hợp đồng. Đối với những giao dịch khác thì bị cáo sử dụng toàn bộ tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, lãi cho khách hàng theo đúng cam kết.
Ngoài ra, Luyện cho rằng, toàn bộ số tiền thu được của khách hàng đến khi bị bắt đều sử dụng vào hoạt động của công ty chứ không sử dụng cho bản thân. "Dù HĐXX hay VKS có quan điểm về vụ án như thế nào thì bị cáo vẫn khẳng định mình không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ai", Luyện nói.
Là người đầu tiên bảo vệ Luyện, luật sư Phan Thanh Hưng cho rằng thân chủ không phạm tội lừa đảo (khung hình phạt cao nhất là chung thân), bởi điều kiện cấu thành tội danh này phải "có ý thức chiếm đoạt từ trước, người thực hiện hành vi phải sử dụng các thủ đoạn gian dối để người khác tin tưởng, giao tài sản cho mình". Trong khi đó, trước khi nhận tiền của khách hàng, Luyện đã ký "Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất". Dù đây không phải là loại hợp đồng được quy định trong pháp luật về đất đai hiện hành, nhưng khi giao nhận tiền có kèm theo một số điều kiện về trả lãi, bồi thường thiệt hại.
"Kết quả điều tra cũng cho thấy có nhiều khách hàng đã được trả tiền lãi, thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận. Do đó, việc VKS truy tố Luyện về tội danh trên là chưa phù hợp", luật sư nói.
Ngoài ra, tại tòa và quá trình điều tra có nhiều khách hàng được xác định là bị hại nhưng vẫn khẳng định Công ty Alibaba và Luyện thực hiện đúng cam kết với họ theo các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Khi Luyện bị bắt, một số người đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng theo quy định, chưa đăng bộ sang tên thì cơ quan điều tra kê biên tài sản, nên không thể hoàn tất.
"Dấu hiệu chiếm đoạt trong vụ án này chưa rõ ràng. Việc mua bán diễn ra công khai, khách hàng đều biết đất mua là đất nông nghiệp. Họ có niềm tin là khi nhận được nền đất, giá trị sẽ cao hơn lúc đầu tư. Khách hàng tự nhận thức và quyết định theo ý chí của mình một cách tự nguyện", luật sư phân tích. Hầu hết các vị trí mà bị cáo Luyện chỉ đạo nhân viên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để lập dự án đều nằm trong quy hoạch "đất ở nông thôn" theo bản đồ quy hoạch. Các bị cáo có tiến hành các bước xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại nơi có đất để tách thửa, theo quy định.
"Có thể thấy đây là những dự án có thật do bị cáo Luyện tự lập nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư và cấp phép thực hiện", luật sư nói và cho rằng hành vi của Luyện và đồng phạm có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù) nên đề nghị tòa xét xử thân chủ về tội danh này.
Cùng quan điểm, các luật sư khác của Luyện cũng đề nghị tòa xem xét đổi tội danh đối với thân chủ.
Trước đó, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng có đủ căn cứ xác định Luyện có vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt các nhân viên lập 58 dự án "ma" trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, lừa bán cho hơn 4.000 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo mức án tù chung thân.
Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực bị đề nghị mức án 30 năm tù về hai tội Lừa đảo và Rửa tiền. Các bị cáo khác bị đề nghị 5 đến 20 năm tù về một trong hai tội.
Phiên toà dự kiến kéo dài đến đầu tháng 1/2023.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.2700554-gnah-hcahk-iov-gnod-poh-cut-peit-coud-nix-ababila-co-aid-hcit-uhc/ten.sserpxenv