Sáng 20/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas và Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam VNPay tổ chức Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển".
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nếu ra vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ.
Theo bà Thảo, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch. Tuy nhiên dưới góc độ nghiên cứu và làm việc với nhiều doanh nghiệp, đại diện CIEM cho rằng doanh nghiệp còn khó khăn trên nhiều phương diện.
Như trong năm 2020 - 2021, Chính phủ đã rất khẩn trương đưa ra nhiều gói an sinh, hỗ trợ giảm, hoãn giãn nợ, thuế… Tuy nhiên trong giai đoạn này, để được hưởng hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục tốn nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn. Bản thân cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra chính sách trong điều kiện chưa có tiền lệ nên đôi khi xảy ra lúng túng trong việc thực hiện. Điều này gây ra lúng túng cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Sang năm 2022, Chính phủ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bà Thảo cho biết, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào nhiều chương trình này. Trong đó doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách giảm thuế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện doanh nghiệp gặp khó trong việc điều chỉnh in hoá đơn điện tử cũng như xác định mặt hàng nào được giảm thuế… Điều này gây tâm lý e ngại khi kiểm tra, thanh tra về thuế.
"Năm 2022, doanh nghiệp chồng chất khó khăn khi sau dịch bệnh lại nhận thêm cú sốc từ thị trường, họ kỳ vọng Chính phủ thực hiện hỗ trợ giảm thuế dài hơn. Như chính sách giảm thuế VAT áp dụng đến hết năm 2022, tức chỉ còn vài ngày nữa là không còn hiệu lực. Doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ đưa ra thêm gói hỗ trợ như giảm thuế, giảm tiền thuê đất…", đại diện CIEM cho biết.
Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển"
Cũng liên quan đến chương trình phục hồi, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề cập đến vấn đề của gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ông Tuấn đánh giá chính sách rất tốt nhưng lại đặt ra vấn đề pháp lý cho nhiều bên. Trước hết là các ngân hàng thương mại, chương trình hỗ trợ từ tiền ngân sách, nên các tổ chức tín dụng có tâm lý rất thận trọng. Với doanh nghiệp đi vay sử dụng vốn từ chương trình hỗ trợ đối mặt với những cuộc thanh tra kiểm toán, họ cũng nhìn nhận thấy rủi ro.
Đánh giá rộng hơn về quá trình xây dựng, phổ biến và thực thi pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng một số trường hợp chính các cơ quan ban hành chính sách thiếu sự nhất quán trong quan điểm thiết kế, ban hành chính sách; khiến các cơ quan thừa hành và đối tượng chịu sự điều chỉnh gặp khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.25003457102212202-noh-iad-euht-maig-coud-gnov-yk-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv