vĐồng tin tức tài chính 365

Tháo gỡ các nút thắt pháp lý để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

2022-12-21 06:38

Ngày 20-12, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển”.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh khẳng định việc cơ quan nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng DN để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp DN hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của DN nêu tại diễn đàn để có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời; chủ động nhận diện, cảnh báo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc pháp lý để giúp DN kịp thời có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thời gian qua dù Chính phủ đã kịp thời có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN nhưng DN vẫn gặp khó. Dẫn chứng gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Thảo nói các DN rất cần vốn nhưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này khó vô cùng.

“Họ kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh các quy định, để làm sao họ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn” - bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, DN đánh giá cao gói hỗ trợ về giảm thuế vì đây là gói hỗ trợ tạo ra tác động tốt nhất theo cảm nhận từ DN. Tuy nhiên, việc tiếp cận gói hỗ trợ này cũng không dễ dàng.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Thực tế nguồn vốn hỗ trợ là tiền ngân sách nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn có thanh tra, kiểm tra.

Tháo gỡ các nút thắt pháp lý để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ảnh 1

Các đại biểu tham gia diễn đàn cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc về pháp lý, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: ĐỨC MINH

Lên tiếng sau đó, đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho hay giao thông vận tải là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đại dịch COVID-19. Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vận tải ở các tỉnh, thành vẫn chỉ được hoạt động 50% nhưng thuế, BHXH đến kỳ đã phải nộp. Nếu không nộp sẽ bị thanh tra, kiểm tra.

Mặt khác, Chính phủ giao các ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ các DN vay vốn khôi phục sản xuất, ngân hàng lại giao về cho các địa phương. Còn các địa phương, mỗi lần DN lên làm thủ tục lại phải lấy xác nhận của BHXH, muốn xin được xác nhận lại phải nộp hết nợ.

“Sau thời gian hai năm rưỡi tự chủ, tự lo, tự làm, các DN đã không còn sức. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các gói về cơ cấu nợ và tiếp tục kéo dài thời gian cho các DN chậm nộp thuế và chậm nộp BHXH” - đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam kiến nghị.

Rủi ro pháp lý có thể làm sụp đổ một ngành hàng

Trong cuộc trao đổi giữa các diễn giả, ông Đậu Anh Tuấn nhắc tới câu chuyện về rủi ro chính sách, rủi ro pháp lý. Theo ông, rủi ro về mặt pháp lý có thể làm sụp đổ một DN, thậm chí cả một ngành hàng.

Đồng tình, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng cơ quan nhà nước giữ vai trò quyết định trong việc giảm thiểu rủi ro về pháp lý cho DN. “Nếu chúng ta xây dựng được văn bản cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và ai cũng hiểu một cách thống nhất giống nhau thì sẽ không có vướng mắc gì cả” - bà Thảo nói và nhấn mạnh chất lượng của văn bản pháp lý có ý nghĩa quyết định trong việc tạo hành lang pháp lý, tránh rủi ro cho DN.

Tuy nhiên, bà Thảo nêu thực tế khi văn bản quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, DN hỏi thì cơ quan quản lý nhà nước lại trích dẫn nguyên xi điều khoản trong văn bản pháp luật và DN vẫn không hiểu họ cần thực thi thế nào.

“Vòng tròn lặp đi lặp lại như vậy, DN cứ hỏi và cơ quan quản lý nhà nước cứ trích dẫn văn bản pháp luật, trong khi cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn, giải thích một cách chi tiết hơn cách hiểu của các bộ, ngành để DN thực hiện” - vẫn lời bà Thảo.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng cần minh bạch quá trình thảo luận xây dựng văn bản pháp luật để DN có thể bị ảnh hưởng biết sắp tới có thể có xu hướng này, từ đó điều chỉnh, thích nghi.

“Về việc gửi văn bản cho các bộ, ngành trả lời chung chung, điều này dễ hiểu vì liên quan đến rủi ro. Nếu công chức nhà nước lại diễn giải văn bản pháp luật theo cách hiểu của mình thì “một ngày đẹp trời” có thể họ sẽ bị cơ quan tố tụng gọi hỏi vì sao lại hướng dẫn như vậy. Họ thấy rủi ro, vậy nên cách an toàn nhất là trích dẫn văn bản pháp luật một cách chung chung bởi “vô thưởng vô phạt”” - ông Tuấn nêu quan điểm.

Còn tâm lý e ngại về trách nhiệm

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận các ý kiến về việc “không phải mọi người mong muốn đều tiếp cận được các gói hỗ trợ”. Nguyên nhân là do điều kiện khắt khe, cả về thủ tục hành chính; còn tâm lý e ngại về trách nhiệm, chưa thực hiện đồng bộ và nhất quán. Ngoài ra, một phần do nhận thức chưa thông suốt giữa các cơ quan có liên quan, kể cả ở cộng đồng DN. Một số quy định chưa khả thi hoặc tương đối khó thực hiện.

“Các đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ một số quy định, thậm chí là bỏ một số luật thay vì sửa đổi, bổ sung mà chưa đồng bộ; trả lại nhiều hơn quyền cho các DN” - ông Long ghi nhận đây là các ý kiến khoa học, thẳng thắn, có phần táo bạo, được ghi nhận từ đại diện của các giới khác nhau.

“Với tư cách là cơ quan được tổng hợp để tham mưu chung cho Chính phủ, Thủ tướng về các vấn đề pháp lý, Bộ Tư pháp trân quý những ý kiến góp ý, tham mưu, những trăn trở muốn tìm ra giải pháp của các đại biểu tại diễn đàn hôm nay” - Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Ông Long khẳng định trong chức năng, nhiệm vụ và theo thẩm quyền, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ và các cơ quan có liên quan. “Các cơ quan nhà nước sẽ cố gắng nhưng ở chiều ngược lại, cộng đồng DN cũng phải phát huy trách nhiệm, từ đó những góp ý mới khả thi, được chấp nhận” - ông Long nói.

ĐỨC MINH

Xem thêm: lmth.560317tsop-auq-ueih-gnod-taoh-peihgn-hnaod-ed-yl-pahp-taht-tun-cac-og-oaht/nv.olp

“Tháo gỡ các nút thắt pháp lý để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools