Tháo điểm nghẽn về đầu tư công
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của TPHCM đạt khoảng 86%, tăng 24,9% và số vốn giải ngân cao hơn 1,6 lần so với năm 2021. Dù vậy, kết quả này được TPHCM đánh giá là “chưa đạt”. Nguồn vốn chưa thể giải ngân ở lĩnh vực giao thông là 2.715 tỉ đồng, chiếm 18% tổng vốn được giao; lĩnh vực môi trường là 1.444 tỉ đồng, chiếm 36,5% tổng vốn được giao. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở huyện Nhà Bè, quận Bình Tân thấp.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - lý giải, giai đoạn 2021-2026, TPHCM có hơn 3.360 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn hơn 186.000 tỉ đồng. Đây đều là các dự án đang vướng mắc thủ tục. Trong khi đó, thành phố còn rất nhiều dự án có khả năng giải ngân, triển khai sớm nhưng không thể bố trí vốn do đã phân bổ hết vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn. Vướng mắc về quy định, thủ tục trong các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, năng lực của một số chủ đầu tư hạn chế… là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Tạo chuyển biến, đột phá về phát triển hạ tầng là mục tiêu quan trọng của thành phố trong năm 2023 - Ảnh: Minh An |
Ngoài thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, các sở, ngành sẽ chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh các dự án hạ tầng quan trọng. Tăng cường xúc tiến, hỗ trợ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ cho việc kết nối vùng, khu vực, đặc biệt là tập trung hỗ trợ phát triển các trung tâm cung cấp dịch vụ về y tế, giáo dục, tài chính. Song song đó là rà soát các quỹ đất lớn còn lại, tập trung xử lý các vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, kết nối hạ tầng, giải phóng mặt bằng và tái định cư… để sẵn sàng thu hút đầu tư.
Tạo chuyển biến, đột phá về hạ tầng
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nói, năm 2023 là năm bản lề để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội toàn nhiệm kỳ. Theo ông, điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM trong năm qua chính là công tác phối hợp giữa các đơn vị.
Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - trong kế hoạch năm 2023, sở đề xuất dữ liệu số là chủ đề chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023. Thực tiễn cho thấy, TPHCM đang rất cần đổi mới công tác quản trị, từ đó tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai và chuyển đổi số là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho hay, năm 2023, sở sẽ tập trung giải quyết hồ sơ trên lĩnh vực đất đai và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án có sử dụng đất. Ông thông tin thêm, đến nay, sở đã giải quyết 502.990 hồ sơ đất đai, bình quân mỗi tháng giải quyết 42.000 hồ sơ, tỉ lệ trễ hẹn 2,7%, tương ứng khoảng 14.000 hồ sơ. Dù tỉ lệ tương đối nhỏ nhưng số lượng hồ sơ rất lớn nên chắc chắn người dân vẫn rất bức xúc về các quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ của ngành. Theo ông, để khắc phục, ban giám đốc sở đã đặt ra 3 nhóm giải pháp, trong đó có tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, UBND TPHCM cần có phương án, kịch bản để ứng phó phù hợp. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5 - 8%, đòi hỏi phải có cách làm sáng tạo đồng bộ, đồng tâm, hiệp lực, phát huy tinh thần như thời kỳ chống dịch. Ông nói: “Khi cơ chế có, hạ tầng đồng bộ, đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, tận tụy, tận tâm, liêm chính thì người dân sẽ ủng hộ”.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu, phải tạo chuyển biến, đột phá về hạ tầng trong năm 2023, như cố gắng đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, chống ngập do triều cường, khẩn trương thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, chuẩn bị khởi công đường Vành Đai 3 và đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…
Về chủ đề năm 2023, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh bằng hành động, thái độ, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, công chức, người đứng đầu chứ không chỉ bằng nghị quyết; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp yên tâm đóng góp cho xã hội.
Ông cũng yêu cầu UBND TPHCM quan tâm giải quyết vấn đề văn hóa, xã hội, củng cố hệ thống an sinh; giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, từng bước bố trí lại chung cư, quan tâm đến người lao động khó khăn; quan tâm đến chính sách thu nhập của cán bộ, công chức; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân; triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, chăm lo tết cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
17 chỉ tiêu chủ yếu để phát triển kinh tế, xã hội TPHCM xác định chủ đề hoạt động năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. 17 chỉ tiêu chủ yếu để phát triển kinh tế, xã hội gồm 7 chỉ tiêu về kinh tế, 3 chỉ tiêu về xã hội, 2 chỉ tiêu về đô thị, 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính, 4 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội. Thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 - 8%; giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên; năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tổng thu du lịch đạt 120.000 tỉ đồng và thu hút 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế; tạo 140.000 chỗ làm mới; tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%... |
Tuyết Dân