Thông tin trên được bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA chia sẻ, khi trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo Thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) do VPA tổ chức ngày 21-12 tại TP HCM.
Về tình trạng người dân chặt bỏ hồ tiêu để trồng sầu riêng, bà Liên nhận định đây là điều bình thường khi xét về tư duy kinh tế. Hiện cây sầu riêng đang có hiệu quả kinh tế nổi trội khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đối với vườn hồ tiêu, việc tái canh diễn ra thường xuyên khi xuất hiện cây chết, già cỗi hoặc năng suất thấp, người dân có thể thay bằng sầu riêng, mít, bơ hay là tiếp tục trồng hồ tiêu.
Chủ tịch VPA trao đổi với phóng viên
"Bà con là người quyết định sẽ tái canh cây gì trên đất của mình nhưng cần lưu ý Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng trồng thuần. Sầu riêng trồng xen canh với các cây trồng khác không đủ điều kiện để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, khi trồng xen canh sầu riêng thì bà con phải phun xịt thuốc trừ sâu bệnh có thể ảnh hưởng đến các cây trồng khác trong vườn, trong đó cây hồ tiêu" - bà Liên cảnh báo.
Châu Âu là thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam với sản lượng từ 48.000 – 49.000 tấn/năm, chiếm 22-23% thị phần và là thị trường đòi hỏi chất lượng cao. "Bà con cần lưu ý để đảm bảo chất lượng hồ tiêu, tuân thủ thời gian cách ly, tránh việc tồn dư quá ngưỡng các hóa chất mà châu Âu kiểm soát." – chủ tịch VPA nhấn mạnh.
Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu
Theo bà Liên, năm 2022, dự kiến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt 230.000 tấn, giá trị khoảng 970 triệu USD – tiếp tục duy trì vị trí số 1 về xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới với hơn 40% thị phần.
Tính đến tháng 11, xuất khẩu hồ tiêu giảm gần 15% về sản lượng nhưng tăng 3,9% về giá trị nhờ giá hồ tiêu tăng. Đây là nỗ lực lớn của ngành hồ tiêu Việt Nam trước bối cảnh thị trường giảm nhu cầu do lạm phát.
Ngành hồ tiêu ghi nhận khoảng 30% sản lượng xuất khẩu là hàng chế biến. Các doanh nghiệp Việt Nam ngoài sử dụng nguyên liệu trong nước còn gia công, chế biến hồ tiêu cho một số nước như: Campuchia, Indonesia, Brasil,… do công suất chế biến chưa sử dụng hết.
Xem thêm: mth.99982024112212202-iahc-nal-ihc-ac-tam-gnuhc-ioc-gneir-uas-gnort-ueit-oh-tahc/et-hnik/nv.moc.dln