Tại Hội thảo Báo chí kiến tạo do Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 21-12, nhiều chuyên gia đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ, bảo vệ, phát triển các phóng viên điều tra xuất sắc cho cơ quan báo chí…
Cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, thông tin từ báo chí rất cần thiết với người dân và đặc biệt với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI cũng chỉ ra những sai sót trong đăng tải thông tin, trong phân tích vụ việc của nhiều cơ quan báo chí thời gian qua.
Ông Tuấn cũng khẳng định, báo chí đang đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng báo chí cũng có thể đang làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro hơn và đắt đỏ hơn, từ đó ông Tuấn mong muốn doanh nghiệp và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VT |
“Báo chí cần thông tin, doanh nghiệp cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thậm chí mong ước có được những quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ hỗ trợ dành cho những phóng viên điều tra xuất sắc mà doanh nghiệp chung tay đóng góp”- ông Tuấn nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cũng hoàn toàn đồng tình với đề xuất của ông Đậu Anh Tuấn là cần có quỹ hỗ trợ các phóng viên xuất sắc và những cơ quan báo chí lành mạnh.
Mặt khác, vị luật sư cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thiếu cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí kêu gọi tài trợ, quảng cáo trong khi ở các nước đã có Luật tài trợ. “Do đó, Luật tài trợ cần sớm được Quốc hội thảo luận và ban hành để các cơ quan báo chí có cơ sở pháp lý để triển khai”- luật sư Nguyễn Danh Huế đưa ra giải pháp.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet dẫn lại thông điệp đặc biệt mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho các cơ quan báo chí: “Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng: Xác thực, dẫn dắt, tiên phong, đổi mới, dấn thân. Giữ cái bất biến ấy để ứng vạn biến. Muốn đi xa thì càng phải về gần”.
Theo ông Bá, trên thực tế, trước sức ép từ truyền thông xã hội, công nghệ, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình”. Thời gian gần đây, trên một số tờ báo tràn lan những thông tin tiêu cực về kinh tế, vụ án hay những vụ học sinh tự tử. Những thông tin này không phải là fake news (tin giả) và bạn đọc phần nào đó cũng cần được thông tin về những vụ việc này.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, qua đo quét của Cục Báo chí, những chùm bài, bài viết được chia sẻ nhiều nhất… thường có yếu tố liên quan đến vụ việc tiêu cực có yếu tố cướp, giết, hiếp… Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần khẳng định con số tỷ lệ bài liên quan đến tiêu cực cần giảm xuống dưới 10%, vì cao hơn sẽ trở thành dòng chảy chính.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ thực chất của 'báo chí kiến tạo'. Ảnh: VT |
Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng thông báo, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đồng ý với đề xuất của Cục Báo chí, cho phép xây dựng Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Trung tâm sẽ kết hợp với các công ty công nghệ, các cơ quan quản lý hỗ trợ cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, để từ đó tạo ra nguồn thu và kinh tế báo chí.
Lý giải về việc tại sao tin tức tiêu cực được nhiều người quan tâm, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phân tích từ vấn đề tâm lý học xã hội.
"Tại sao tin tiêu cực như thế mà công chúng lại đọc, điều này liên quan tâm lý người dân. Thứ nhất, con người quan tâm đến vấn đề an toàn của bản thân, hai nữa là về tính tò mò, khi báo chí đăng chắc chắn có chuyện. Điều này không trách công chúng được mà phải đề cập đến trách nhiệm của người làm tin tức"- PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Để giải quyết câu chuyện tin tiêu cực xuất hiện và được quan tâm nhiều, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng: Phải xác định rõ thế nào là tin tiêu cực, cơ quan quản lý xây dựng khung tiêu chí thế nào là tin tức báo chí tích cực và tiêu cực.