Loạt ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm
Sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, “cuộc đua” tăng lãi suất huy động của các ngân hàng bắt đầu nóng bỏng. Từ cuối tháng 9 đến nay, nhiều nhà băng đã tăng mạnh mạnh biểu lãi suất mới, 9,5 đến trên 10%/năm, thậm chí có đơn vị còn lên tới gần 12%/năm.
Tuy nhiên, sau cam kết trần lãi suất huy động của tất cả các ngân hàng thương mại sẽ không vượt quá 9,5%/năm và lãi suất cho vay sẽ giảm từ 0,5 - 2%/năm của Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam, “cuộc đua” tăng lãi suất đã bắt đầu chững lại. Trong tuần qua, không còn ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, hơn thế nữa, một vài ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động.
Theo đó, mới đây, Saigonbank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới và giảm mạnh khoảng 0,4-1 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đã giảm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm.
Tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 9,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 9,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 9,4%/năm.
Trước đó, Saigonbank là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống, bên cạnh DongABank, OCB, GPBank,... Tuy đã điều chỉnh giảm mạnh tới 1%/năm, hiện lãi suất của Saigonbank vẫn đang thuộc nhóm cao hơn mặt bằng chung.
Cùng ngày, BaovietBank cũng tiến hành giảm mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-3 tháng còn 5,65%/năm và 5,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 9,4%/năm. Trước đó, lãi tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này lên tới 10,3%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.
Một đơn vị khác là MSB cũng điều chỉnh biểu lãi suất huy động kể từ ngày 19/12, giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Mức lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.
Bên cạnh đó, OceanBank mới đây cũng đã hạ mức lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với mức lãi suất cao nhất khoảng 10-11%/năm như tại DongA Bank với lãi suất cao nhất khách hàng có thể hưởng tới 10,95%/năm, VIB có lãi suất 10,8%/năm khi gửi tiền vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từ nay đến ngày 26/2/2023, NCB cũng áp dụng lãi suất cao nhất tới 10,1%/năm…
Tại Kienlongbank, dù đã điều chỉnh phần lớn biểu lãi suất huy động các kỳ hạn về 9,2%/năm, nhà băng này vẫn giữ mức lãi kỳ hạn 13-15 tháng ở 9,6%/năm với khách hàng cá nhân gửi tiền qua kênh online.
Ngoài ra, SCB vẫn đang áp dụng biểu lãi suất huy động cao nhất 9,95%/năm với tất cả khoản tiền gửi online ở kỳ hạn 12 tháng trở lên. Với các khoản gửi 6-11 tháng với hình thức gửi online, lãi suất cao nhất tại Techcombank với 9,5%/năm; VPBank là 9,4%/năm.
Hỗ trợ thanh khoản qua nhiều công cụ
Tại cuộc họp mới đây giữa VNBA với các tổ chức tín dụng về vấn đề lãi suất huy động và cho vay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã quán triệt các ngân hàng giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phó Thống đốc yêu cầu giảm lãi suất nhưng không để các ngân hàng suy yếu về năng lực tài chính. Đồng thời, các nhà băng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận và cổ đông phải chia sẻ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
Để đồng thuận với mức lãi suất không quá 9,5%/năm kể trên, các ngân hàng cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản tối đa qua thị trường mở (OMO), bỏ đấu thầu lãi suất với kỳ hạn 91 ngày, nới tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi), hỗ trợ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ hoán đổi...
Bên cạnh đó, các nhà băng cũng kiến nghị nhà điều hành có chế tài, quy định để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất, tránh tình trạng giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí.
Các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Dự báo xu hướng tăng sẽ tiếp diễn, và mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 2,5 - 3 điểm % trong cả năm 2022.
Trong bối cảnh lãi suất huy động chịu áp lực tăng, chuyên gia phân tích dự báo lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.
"Áp lực tăng lên lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động, và có sự phân hoá giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề", chuyên gia VCBS nhận định.