Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM tiếp đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chiều 21-12 - Ảnh: VŨ THỦY
Đoàn làm việc cùng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các quận huyện và các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM. Các quận, huyện cũng như sở, ngành được yêu cầu làm rõ vấn đề giảm đơn hàng, cắt giảm lao động trên địa bàn với đoàn công tác.
"Nghe báo cáo của TP.HCM và các đơn vị, quận huyện, tôi thở phào. Trước đó, thông tin phản ánh trên báo chí là đơn hàng giảm nghiêm trọng, mất việc làm nặng nề", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nói.
Cụ thể, Liên đoàn Lao động TP.HCM ghi nhận có khoảng 110.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó phần lớn lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, nghỉ luân phiên, nghỉ phép năm, số lao động bị cắt giảm khoảng 6.300 người.
Đại diện Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cũng cho biết đơn vị này đã khảo sát tình hình lao động của doanh nghiệp trong khu và ghi nhận có tình trạng giảm đơn hàng nhưng chưa có doanh nghiệp cắt giảm lao động.
Theo đó, đa phần doanh nghiệp lựa chọn giải quyết cho nghỉ phép năm, nghỉ một số ngày trong tuần, không tái ký với các trường hợp hết hợp đồng… Qua nắm tình hình, có khoảng 25 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng và khả năng sẽ giảm khoảng 2.000 lao động.
Tuy nhiên, vẫn có các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và dự kiến có nhu cầu tuyển dụng 12.000 lao động trong năm 2023. Thậm chí Khu Công nghệ cao TP.HCM còn cho thấy có sự tăng nhẹ số lao động thời gian qua.
Đồng thời, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, dự kiến tháng 12-2022 nhu cầu nhân lực cần khoảng 23.000 - 25.000 chỗ làm việc. Trong đó thương mại, dịch vụ cần khoảng 15.600 - 17.000 chỗ làm việc (chiếm 68%), còn lại là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm việc với UBND TP.HCM chiều ngày 21-12 - Ảnh: VŨ THỦY
Theo nhận định của đoàn công tác, nếu xét tương quan cung - cầu, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn, và có tình trạng "nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu" do tình trạng mất cân đối cung - cầu theo ngành nghề và địa bàn. Lao động bị cắt giảm ở các ngành đang sụt giảm đơn hàng như may mặc, da giày không thể chuyển sang làm việc ở các ngành nghề khác như điện tử, cơ khí, dịch vụ….
Ông Lê Văn Thanh đề nghị TP.HCM tăng kết nối cung - cầu việc làm, đồng thời chăm lo đời sống cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, thống kê thưởng tết cụ thể của các doanh nghiệp, dự báo phát sinh các tình huống phức tạp.
"Cần nắm chắc tình hình các doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ, cơ khí phụ trợ là những ngành đang chịu ảnh hưởng lớn, phải cụ thể số lượng giãn việc bao nhiêu, hoãn việc bao nhiêu, cắt giảm lao động bao nhiêu, độ tuổi, kỹ năng gì để có thể chuyển đổi việc làm phù hợp", Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu.
TTO - Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng cử tri, nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, mất việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề, cũng như việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Xem thêm: mth.47092047112212202-nol-gnohk-mch-pt-iat-gnod-oal-maig-tac-gnod-neib/nv.ertiout