Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 21-12 - Ảnh: REUTERS
* Tổng thống Mỹ và Ukraine thể hiện tình đoàn kết tại Nhà Trắng. Ngày 21-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện tình đoàn kết trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Zelensky giữa "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
"Thật vinh sự khi được sát cánh cùng ông trong nỗ lực phòng vệ thống nhất chống lại một cuộc chiến tranh tàn khốc", ông Biden nói về cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai hiện nay.
Đáp lại, ông Zelensky đã trao huy chương cho ông Biden, bày tỏ lòng biết ơn đối với vai trò của tổng thống Mỹ trong việc giúp đỡ và tập hợp sự ủng hộ dành cho Ukraine.
* Mỹ công bố hỗ trợ quân sự bổ sung 1,85 tỉ USD cho Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẽ cung cấp khoản hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá 1,85 tỉ USD cho Ukraine, bao gồm cả việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Khoản hỗ trợ này bao gồm 1 tỉ USD hỗ trợ Ukraine nâng cấp "năng lực phòng không và tấn công chính xác", và thêm 850 triệu USD hỗ trợ an ninh, ông Blinken cho biết.
Cực quang phát sáng phía sau trạm phóng tên lửa Patriot M903 ở Alaska - Ảnh: REUTERS
* Đan Mạch viện trợ quân sự 43 triệu USD cho Ukraine. Ngày 21-12, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết Đan Mạch sẽ tặng 300 triệu crown (42,8 triệu USD) viện trợ quân sự cho Ukraine.
Số tiền này sẽ được quyên góp thông qua Quỹ quốc tế cho Ukraine do Anh đứng đầu, được sử dụng để cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ khác cho các lực lượng vũ trang của Ukraine.
* Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu chấm dứt bạo lực ở Myanmar. Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết đầu tiên về Myanmar sau 74 năm vào ngày 21-12, yêu cầu chấm dứt bạo lực và hối thúc chính quyền quân sự trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, bao gồm cả nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Hội đồng gồm 15 thành viên này từ lâu đã bị chia rẽ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, với việc Trung Quốc và Nga phản đối hành động mạnh tay đối với chính quyền quân sự.
Cả hai nước trên và Ấn Độ đều bỏ phiếu trắng vào ngày 21-12.
* Thượng viện Mỹ phê chuẩn đại sứ tại Nga. Ngày 21-12, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bà Lynne Tracy làm đại sứ nước này tại Nga, chấm dứt tình trạng khuyết vị trí này 3 tháng qua trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do cuộc xung đột tại Ukraine.
Bà Lynne Tracy, người hiện là đại sứ Mỹ tại Armenia, và từng là nhân vật số 2 tại Đại sứ quán ở Matxcơva, làm đại sứ Mỹ tại Nga. Bà Tracy là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí ngoại giao chủ chốt này.
Người tiền nhiệm của bà Tracy là ông John Sullivan, đã nghỉ hưu hồi tháng 9 vừa qua vì lý do cá nhân. Tân đại sứ Mỹ tại Nga cũng từng làm việc tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây là Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Turkmenistan.
Ông Sam Bankman-Fried, người sáng lập và cựu CEO của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, được hộ tống ra khỏi tòa án sơ thẩm ở Nassau, Bahamas, ngày 21-12 - Ảnh: REUTERS
* Nhà sáng lập FTX đồng ý dẫn độ về Mỹ. Một nhân chứng của Reuters cho biết người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã rời tòa án ở thủ đô Nassau của Bahamas vào ngày 21-12, sau khi đồng ý dẫn độ để đối mặt với cáo buộc gian lận ở Mỹ.
Theo Reuters, phiên điều trần dẫn độ của ông Bankman-Fried ở Bahamas trước đó bị hoãn lại sau khi người sáng lập 30 tuổi của FTX cho biết bản thân đồng ý bị dẫn độ về Mỹ.
Luật sư bào chữa của ông Bankman-Fried nói với một thẩm phán sơ thẩm rằng thân chủ của ông "rất muốn ra đi".
* Matxcơva phản đối Pháp về bình luận vụ quan chức Nga bị tấn công ở châu Phi. Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu tập đại sứ Pháp và đưa ra "phản đối mạnh mẽ" về những bình luận về một vụ tấn công quan chức Nga ở Cộng hòa Trung Phi.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna tuần trước đã bác bỏ tuyên bố của người đứng đầu lực lượng dân quân Nga đổ lỗi cho Pháp về vụ tấn công. Bà Colonna gọi đó là "một ví dụ điển hình về tuyên truyền của Nga và trí tưởng viển vông đặc trưng cho việc tuyên truyền này".
Đảo Rouzic thuộc quần đảo Sept-Iles, một khu bảo tồn chim, bị ảnh hưởng bởi đợt dịch cúm gia cầm nghiêm trọng hiện nay ở Pháp - Ảnh: REUTERS
* Mỹ trừng phạt quan chức Iran đàn áp biểu tình. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Iran vào ngày 22-12, bao gồm cả tổng công tố và các quan chức quân sự chủ chốt, gia tăng áp lực lên Tehran về việc trấn áp các cuộc biểu tình.
Động thái này là phản ứng mới nhất của Washington đối với cuộc đàn áp của Iran đối với tình trạng bất ổn, sau cái chết của cô gái trẻ người Kurd gốc Iran Mahsa Amini khi bị cảnh sát giam giữ hồi tháng 9 vừa qua.
* Tình hình cúm gia cầm trở nên tồi tệ ở Pháp. Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết sự lây lan của dịch cúm gia cầm đã tăng nhanh trong những tuần qua làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt gia cầm hơn nữa.
Pháp là nhà sản xuất gia cầm lớn thứ hai của Liên minh châu Âu. Quốc gia này đã phát hiện các đợt bùng phát cúm gia cầm trong mùa hè gia tăng, sau khi chứng kiến đợt dịch bệnh tồi tệ nhất vào mùa trước dẫn đến việc tiêu hủy khoảng 20 triệu gia cầm.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau sẽ tới các khu vực bị dịch bệnh ảnh hưởng vào ngày 22-12 để đưa ra chiến lược chống dịch.
Chuyến thăm lịch sử
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ở Washington ngày 21-12. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Zelensky kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" hồi tháng 2-2022 - Ảnh: REUTERS
Đường ống khí đốt ở Nga nổ, giá ở châu Âu tăng vọt; Trung - Nga tập trận hải quân chung hôm nay; Đức, Hà Lan thu giữ 250 tấn pháo bông; Taliban không cho phụ nữ học đại học, bị lên án... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 21-12.