vĐồng tin tức tài chính 365

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tạo các vùng kinh tế, cực tăng trưởng

2022-12-22 09:04

Chiều 21-12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tạo các vùng kinh tế, cực tăng trưởng ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Hướng ra biển lớn, kết nối quốc tế

Chia sẻ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là đồ án rất khó, rất phức tạp và có phạm vi rất rộng. Theo ông, vì chưa có tiền lệ, chưa làm bao giờ nên chúng ta chưa hiểu, chưa hình dung hết được.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc khó nhất hiện nay và có nhiều ý kiến quan tâm nhất là liên quan đến phạm vi, ranh giới của quy hoạch dừng ở mức độ nào. Ông cho rằng yêu cầu đặt ra đối với quy hoạch tổng thể quốc gia là phải thể hiện chiến lược phát triển thời kỳ mới nhưng lại không quá chi tiết, không động vào quy hoạch chi tiết.

Nêu điểm mới nổi bật, ông Dũng cho hay quy hoạch tổng thể quốc gia (quy hoạch) chủ yếu tập trung tạo ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, các vùng động lực, các cực tăng trưởng để làm sao có trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, tập trung hướng vào biển để phát triển kinh tế biển, làm sao kết nối được với quốc tế.

Tờ trình Chính phủ nêu quy hoạch định hướng phát triển các vùng biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái; bảo đảm hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành, lĩnh vực trên biển và trên đất liền.

Ngoài ra, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, quy hoạch lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành bốn vùng động lực quốc gia. Cụ thể, vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), vùng động lực phía Nam (TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu), vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực ĐBSCL. Các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 là hành lang kinh tế Bắc - Nam và hai hành lang kinh tế Đông - Tây (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu)...

Quy hoạch tổng thể quốc gia chủ yếu tập trung tạo ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, các vùng động lực, các cực tăng trưởng để làm sao có trọng tâm, trọng điểm.

Chú trọng phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Báo cáo tổng hợp của Chính phủ đã đưa ra được định hướng phân vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển và vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, trừ định hướng phân vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng, các vùng còn lại đều chưa đưa ra được tiêu chí cũng như mục tiêu phân vùng là để giải quyết tồn tại, hạn chế nào của thời kỳ trước.

Đặc biệt, nội dung phân tích hiện mới chỉ nêu được các hoạt động kinh tế - xã hội trong nội bộ vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau. Chẳng hạn, liên kết giữa vùng động lực phía Nam với vùng động lực ĐBSCL; một số vùng cũng chưa làm rõ được vị thế của vùng với quốc tế, như vùng động lực phía Bắc…

Về phát triển các hành lang kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ hơn nội hàm và các định hướng phát triển cụ thể đối với các hành lang kinh tế này.

Ngoài ra, theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến cho rằng báo cáo đang bị giới hạn theo ranh giới hành chính các vùng kinh tế. Cạnh đó, một số khu vực, địa phương đang trên đà phát triển và tăng trưởng mạnh, đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội nhưng chưa đưa vào vùng trọng tâm trong quy hoạch...

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần chú trọng tới việc phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. “Nếu không chú trọng thiết kế hướng Đông -Tây, nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng biển, hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều. Thậm chí, các nước sẽ không sử dụng cảng của nước ta” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Dẫn chứng trục hành lang Hải Phòng - Quảng Ninh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu không làm tốt thì hàng hóa của ASEAN sẽ qua cảng Phòng Thành (Trung Quốc) rồi ra biển quốc tế chứ không qua cảng biển của Việt Nam. Cạnh đó, ông Huệ cho rằng cần chú trọng kết nối các hành lang kinh tế của Việt Nam với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tầm quan trọng của các hành lang như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu. Theo ông, đây là ba hành lang rất quan trọng để kết nối với nước bạn nên cần được ưu tiên trước. Tuy nhiên, không cần phải đầu tư đồng bộ, toàn diện từng hành lang kinh tế mà nên đầu tư những đoạn, tuyến quan trọng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện đề án trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường diễn ra vào đầu tháng 1-2023.•

Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn, gồm hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Cùng với đó là sáu hành lang kinh tế Đông - Tây, gồm Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội, Cầu Treo - Vũng Áng, Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

ĐỨC MINH

Xem thêm: lmth.432317tsop-gnourt-gnat-cuc-et-hnik-gnuv-cac-oat-aig-couq-eht-gnot-hcaoh-yuq/nv.olp

“Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tạo các vùng kinh tế, cực tăng trưởng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools