Nhà máy của doanh nghiệp Đan Mạch - một doanh nghiệp FDI được đưa vào hoạt động trong tháng 9-2022 tại An Giang - Ảnh: H.K.
Mới nhất tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam vào năm 2023.
Đó là tín hiệu thành công trong chiến lược thu hút đầu tư FDI công nghệ cao được Chính phủ theo đuổi trong nhiều năm qua. Và trước khi "người khổng lồ" công nghệ "khó tính" Apple chọn Việt Nam làm bến đỗ, một số "ông lớn" công nghệ thế giới khác như Intel, Samsung, LG, Foxconn... đã đến Việt Nam đặt nhà máy, tổ hợp sản xuất quy mô từ vài tỉ đến vài chục tỉ USD tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng.
Nhưng đây mới là thành công bước đầu trong thu hút FDI công nghệ cao. Để Việt Nam thực sự trở thành "tổ" của "đại bàng" công nghệ toàn cầu vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Từ phía Nhà nước, ngoài việc giữ ổn định nền tảng vĩ mô, cần xây dựng chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp. Xu hướng áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% đang nổi lên, trong khi Việt Nam mới bắt đầu triển khai xây dựng chính sách thuế này. Nếu Việt Nam không nhanh chóng xây dựng chính sách thu thuế tối thiểu toàn cầu thì dù Việt Nam ưu đãi thuế nhưng nhà đầu tư vẫn phải đóng thuế tại nước họ. Như vậy điểm mạnh ưu đãi thuế, phí trong thu hút đầu tư FDI những năm qua sẽ trở nên vô nghĩa.
Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để giữ chân các "ông lớn" công nghệ toàn cầu. Thời gian tới chúng ta cần chuẩn bị cả về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội để nhà đầu tư thấy có thể làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Cần tạo môi trường sống hấp dẫn, tạo thuận lợi về chỗ ở cho nhà đầu tư.
Luật nhà ở hiện nay cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở Việt Nam, nhưng thủ tục mua nhà còn quá phức tạp. Đơn giản thủ tục mua nhà sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận chỗ ở và thấy Việt Nam là nơi an cư, sinh sống và đầu tư kinh doanh.
Các nhà đầu tư công nghệ cao từ Mỹ, châu Âu đến Việt Nam thông thường họ không mang theo nhiều nhân lực điều hành, kỹ thuật nên họ có nhu cầu sử dụng nhiều nhân lực chất lượng cao nội địa. Các doanh nghiệp FDI công nghệ cao luôn cần một đội ngũ kỹ sư, lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Chuẩn bị một nguồn nhân lực kỹ thuật cao sẽ là yếu tố quyết định cho sự gắn bó của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao với Việt Nam.
Để các "đại bàng" công nghệ yên tâm đầu tư ở Việt Nam thì việc minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh là yếu tố không thể thiếu. Các doanh nghiệp công nghệ luôn yêu cầu phải minh bạch về chính sách, thủ tục đầu tư kinh doanh và rất ngại phải trả chi phí không chính thức. Điều này cần sớm khắc phục, vì nó tác động rất lớn tới các quyết định đầu tư lâu dài hay không.
Cuối cùng, Việt Nam không thể trở thành một điểm đến lý tưởng của các "ông lớn" công nghệ toàn cầu nếu thiếu một hệ thống logistics hiện đại, có năng lực vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa. Thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong thực thi thủ tục hải quan, đã tiếp cận được với các nước trong khu vực, từng bước tham gia hệ thống hải quan toàn cầu, nhưng thủ tục hải quan trong nước vẫn còn phức tạp và nhiều vướng mắc. Điều này cần thay đổi, để tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đến với Việt Nam.
TTCT - Với một cơ cấu xuất khẩu và FDI chưa đủ đa dạng, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023.
Xem thêm: mth.78194948022212202-oan-hcac-oac-ehgn-gnoc-idf-nahc-uig/nv.ertiout