Theo dữ liệu của Cục Thống kê Mỹ, tỷ trọng của Vương quốc Anh trong thương mại hàng hoá của Mỹ 10 tháng tính từ đầu năm 2022 đã giảm xuống 2,6%, trong khi của Việt Nam tăng lên 2,7%.
Xuất nhập khẩu cũng chính là một trong những động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, giúp cho GDP của nước ta năm nay được các tổ chức quốc tế dự báo khả quan với mức tăng từ 7,2 - 8%.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay lên 7,5% từ mức 6,5%. Đồng thời, tổ chức này cũng điều chỉnh giảm mức dự báo lạm phát xuống còn 3,5%.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: "Năm nay Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Ngành sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ phục hồi tốt là các động lực tăng trưởng chính. Do đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài".
Trong 11 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đạt mức tăng 20,5% so với cùng kỳ. Đến giữa tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mốc 700 tỷ USD.
Việt Nam đang có khả năng lọt top 7 đối tác thương mại hàng hoá hàng đầu của Mỹ. Ảnh minh họa.
Các chuyên gia quốc tế nhận định nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều bất ổn, dự báo tăng trưởng từ 7,2 - 8% trong năm nay là khả quan so với nhiều quốc gia châu Á. Tuy nhiên, duy trì đà tăng trưởng này không hề dễ trong thời gian tới, nhất là khi áp lực lạm phát toàn cầu kéo dài và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ.
"Các báo cáo thường kỳ của chúng tôi đều ghi nhận về khả năng phục hồi thương mại của Việt Nam, ngay cả trong thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19. Nhưng những bất ổn thị trường toàn cầu hiện nay đang khiến đơn hàng những tháng cuối năm sụt giảm và nó lại rơi vào những ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Dự báo những rủi ro này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới", ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá.
Các dự báo cho năm 2023 đến nay hầu hết đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng của Việt Nam chậm theo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước giữ phong độ tốt nhờ các chính sách kinh tế hiệu quả kịp thời, có cam kết rõ ràng về tự do thương mại và ngân sách quốc gia lành mạnh, tỷ lệ nợ trên GDP tương đối tốt khi giữ ở mức 43,7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!