Vợ chồng T. bỏ đi, để hai con nhỏ cho bà N. già cả, ốm yếu chăm sóc thay - Ảnh: TÂM LÊ
"Ngày nghe tin con nợ số tiền quá lớn, tôi đã khuỵu gối xuống. Tiền tỉ thì nhà nông mấy đời cũng không trả hết nợ, không trả thì họ cho người dọa giết. Dọa kinh khủng lắm, tôi vẫn chưa hết sợ" - bà N.T.N. co rúm người, rùng mình khi nhớ ngày nhận tin dữ.
Dọa bắt cóc, giết
Mới chập tối, ngôi nhà bà N. (72 tuổi, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) đã khóa trái cửa. Nghe tiếng chị gái, bà N. mới dò dẫm bước thấp bước cao đi ra.
Bà N. phân bua: "Ông nó đi thăm cháu ốm ở viện, tôi ở nhà một mình vì sợ nên đóng cửa sớm. Từ ngày đám đòi nợ kéo đến, tự tiện xông vô nhà, ngày nào cũng phải đóng cửa ngõ sớm hết".
Bà N. ngồi bên chị gái mà thứ bậc như bị tráo đổi, tóc bạc trắng, da nhăn nhúm, gầy yếu. Trong khi tóc chị gái còn xanh, da dẻ hồng hào, khỏe mạnh. Từ khi nghe con trai mắc nợ tiền tỉ, người nhà nói bà N. vẻ ngoài thay đổi hẳn, tiều tụy đi trông thấy.
Chồng bà N. đi chăm cháu ngoại ở viện, chỉ còn mình bà ở nhà. Vẫn còn ám ảnh người lạ đến đòi nợ nên tối đến bà thường khóa cửa, tắt đèn sớm.
Bà vẫn nhớ rõ: "Hôm đó vừa ăn cơm tối xong, một người ở làng đến báo tin, họ nói tôi phải thật bình tĩnh để nghe họ nói, thằng T. chơi bài bạc nợ hơn 1 tỉ rồi. Chân tôi đứng không vững nữa, trời ạ, cả đời tôi chưa nghe nợ số tiền lớn như thế bao giờ!" - bà nghẹn giọng.
Cả nhà nháo nhác tìm T. để xem thực hư nợ nần, nhưng T. đã trốn biệt. Gia đình đã nghĩ món nợ kia là thật nên T. mới trốn, nhưng đến khi nghe T. về xác nhận vay nợ thì không ai muốn tin đó là sự thật vì số tiền nợ quá lớn.
Chỉ vài ngày sau, hai kẻ đeo kính đen chạy xe càng phân khối lớn đỗ trước cửa nhà bà N.. Trông đứa nào cũng hầm hố, áo hoa hòe hoa sói, mình xăm trổ, quát lớn: "Thằng T. đâu, mày không ra trả nợ cho ông thì đừng trách". Tiếng quát kèm tiếng nẹt pô ầm ĩ, khiến cả góc quê yên bình trở nên xáo trộn, ồn ã, tiếng chó sủa không ngừng.
Vợ chồng lão nông hoảng hốt nép mỗi người một góc nhà, co rúm lại trước những chủ nợ hung hãn không quen biết. "Trong nhà lúc ấy chỉ có vài triệu bạc, tôi với ông nhà phải chạy các nơi vay anh em họ hàng, bạn bè, người năm chục, một trăm (triệu).
Hơn một tuần mới dồn được 900 triệu, đưa cả cho thằng T. trả nợ. Thế mà nó bảo chưa hết nợ, nó vay của nhiều người nữa" - bà N. nhớ lại, tới giờ vẫn chưa hết bàng hoàng.
T. là con trai út trong sáu người con của vợ chồng bà N. cũng là con trai duy nhất. Ai cũng nói T. được cưng chiều quá nên mới "phá gia chi tử". Đầu năm 2020, nghe nói T. bị vướng vào hội nhóm cờ bạc, cá độ trong xã, mất rồi gỡ, rồi mất. T. giấu cả nhà chuyện chơi bời, rồi bỗng dưng có người đến báo nợ.
Nhưng người ta cho rằng nhóm tổ chức cờ bạc, vay lãi này đã "nhắm" vào tài sản gia đình bà N.. Có thể chúng đã gài bẫy để T. lao vào cuộc chơi không điểm dừng. Trả số tiền 900 triệu chưa được bao lâu, gia đình bà N. tiếp tục bị xã hội đen "khủng bố" đòi thêm tiền.
"Chúng gọi điện cả ngày lẫn đêm, đe dọa sẽ bắt cóc cháu tôi, bảo chờ ngày nhận xác con, xác chồng" - bà N. giọng run rẩy.
Lần nữa, đám đòi nợ lại kéo tới nhà bà N. dọa giết. Lần này là năm thằng đầu nhuộm xanh đỏ, tuổi choai, giọng xấc xược: "Chúng mày không trả nợ, bọn tao sẽ chặt chân tay thằng T. đem về đây cho cúng giỗ. Trong tuần này không có tiền thì đợi nhận quà đặc biệt nhé".
Cả nhà tá hỏa gọi nhau đến bàn bạc, ai cũng sợ bọn xã hội đen sẽ giết con, hại cháu thật. "Thôi thì phải chịu mất hết để giữ lại mạng sống cho con cháu, nhỡ bọn nó làm thật thì chết. Cả nhà tìm người mua miếng đất ngoài đường để trả nợ" - đấy là quyết định cuối cùng của nhà bà N., cũng là mục đích của những kẻ cho vay nợ.
Bán vội hai miếng đất và một căn nhà hai tầng chỉ được tổng tiền 1,4 tỉ, trong khi tài sản này được định giá gần 4 tỉ đồng cùng thời điểm. Đó là tất cả tài sản mà vợ chồng bà N. cặm cụi làm ăn, chắt chiu hơn 30 năm mới có được. Ngoài đồng ruộng, vợ chồng bà còn mua máy xay xát gạo phục vụ bà con trong làng.
Ngày đăng số điện thoại bán đất giúp dì, người cháu là chị Thanh cũng bị bọn xã hội đen gọi điện "khủng bố" nhiều lần. Bực bội, chị hét vào điện thoại: "Tao không quen chúng mày nhé, đi mà đòi nợ đứa vay mày ấy", rồi tắt bụp cuộc gọi. Sau này bán nhà, trả số tiền lớn chúng mới thôi quấy rầy chị.
Ngày trả thêm số tiền hơn 1 tỉ đồng, gia đình bà N. bắt những kẻ đòi nợ phải ký điểm chỉ vào bản cam kết hết nợ. Nhưng chỉ yên ổn được một thời gian, người của ngân hàng lại đến báo con bà vay nóng qua app, giấy tờ đã bày ra trước mặt. Bà N. ôm ngực đau nghẹn, không nói nên lời. Lúc này, thằng con đã kéo theo vợ con đi vào Nam biệt tích.
Vợ chồng bà lại chạy vạy vay mượn, trả cho ngân hàng được vài lần, mỗi lần vài chục triệu thì không còn gì để trả.
Ngôi nhà hai tầng và mảnh đất làm quán cà phê kế bên, gia đình bà N. phải bán rẻ để trả nợ cho con - Ảnh: TÂM LÊ
Trồng rau nghe con nợ tiền tỉ
Ở cùng xã nhưng khác thôn, ông N.V.H. đang lấm lem với vườn rau giống thì cũng nhận tin con trai vay nợ tiền tỉ. Ông không tin thằng con xưa nay ngoan hiền, làm gì có chuyện vay tận tiền tỉ. Số tiền mà cả đời vợ chồng ông cũng chưa từng nghĩ tới sẽ vay bao giờ.
"Nghe mấy anh chị nó nói, nó chơi tiền ảo hay chứng khoán trên mạng, tôi đâu có biết mấy thứ đó thế nào mà mất tiền nhiều đến thế" - ông H. lau mồ hôi trán, thở dài.
Vợ chồng ông có ba người con, hai con gái đầu học đại học đã có công việc ổn định và đều lập gia đình. Chỉ còn con trai út xuống thành phố học nghề, mới được hơn một năm thì vướng vào nợ nần.
"Con tôi vay của nhiều người lắm, vay của bạn bè nhiều. Nó làm tôi lao đao mấy đợt trả nợ. Bạn bè lại rất tin tưởng nó nên cho vay, sau tôi phải dặn một số bạn nó không được cho vay nữa" - ông H. cho biết.
Từ tháng 2-2021 đến tháng 4-2022 ông H. phải trả bốn đợt tiền cho con trai, mỗi đợt vài trăm triệu, số tiền cộng dồn tới gần 2 tỉ. Trong số chủ nợ, có hai nơi đòi nợ theo kiểu xã hội đen, gọi điện "khủng bố" ngày đêm, đổ rác thải, mắm tôm trước cửa nhà ông.
Ông H. biết kẻ làm việc đó, ông gọi điện lại vừa mềm vừa rắn: "Thằng con nó nợ nhiều người, tôi không xoay xở kịp, mấy sào ruộng vườn làm gì ra tiền. Có đòi nữa thì giờ tôi cũng chịu, để tôi nhắn nó tìm cách trả chị. Chị còn đổ rác, ném sơn vô sân nhà tui thì tôi sẽ để công an giải quyết, tôi đã báo cho họ rồi".
Con trai ông H. cũng trốn đi biệt tích từ nửa năm không ai liên lạc được. Ông H. gầy xọp trong chiếc áo đã bạc màu. Trời vẫn còn nắng cháy mà ông đã sắp sửa ra đồng, chuẩn bị cày ải cho vụ mùa sắp tới để tiếp tục xoay xở khoản nợ của thằng con...
Thời điểm phải chạy vạy trả nợ cho con, anh chị em trong gia đình bà N. cũng xảy ra xích mích, mất đoàn kết vì vay mượn tiền. Hơn một năm sau, cơn ác mộng của gia đình bà N. mới tạm lắng, anh em không còn bất hòa nhưng nỗi ám ảnh vẫn in sâu trong tâm trí bà N..
************
"Đêm đến, chúng ném mắm tôm trộn sơn vào khắp sân nhà. Tôi che bạt phía trước thì chúng đi vòng ra phía sau ném lên. Không có ngày nào tôi được ngủ yên".
>> Kỳ tới: Thông gia cũng bị ném bom xăng
Ngồi kể chuyện bi kịch với chúng tôi, bà cứ rơi nước mắt. Gần 80 rồi, cả đời bà không giàu có nhưng chăm chỉ làm ăn lương thiện, được dòng họ và hàng xóm nể trọng.