vĐồng tin tức tài chính 365

Chi phí đầu vào gây khó khăn đối với ngành chăn nuôi

2022-12-22 11:50

Trong một báo cáo vừa phát hành, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định ngành chăn nuôi dịp trước Tết Nguyên đán 2023 đang khá trầm lặng. Thay vì đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp chỉ thận trọng tái đàn trong bối cảnh giá lợn hơi biến động thất thường và chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao.

Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá thịt lợn hơi toàn quốc không có nhiều thay đổi so với ngày hôm qua, tiếp tục dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg, vùng giá thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Ngược lại, chi phí thức ăn chăn nuôi chỉ tính từ đầu năm 2022 đã trải qua 8 đợt điều chỉnh tăng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất lớn trong ngành một mặt đang đẩy mạnh việc đa dạng nguồn nguyên liệu đầu vào vừa tìm thời điểm hợp lý để thực hiện nghiệp vụ mua hàng nhập khẩu nông sản.

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi 650 triệu USD trong tháng 11 để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 61,7% so với tháng trước và 78,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về nước ta trong 11 tháng qua đạt 5,14 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 2,44 tỷ USD cho 4,33 triệu tấn.

Trong tháng 12, lượng khô đậu tương hàng tàu nhập khẩu về Việt Nam có thể đạt hơn 630 nghìn tấn. Một số thương nhân cho biết, Việt Nam đã ký mua khoảng 3 tàu khô đậu tương Ấn Độ. Lượng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp thương mại về nhiều nhưng nhu cầu từ các nhà máy lại đang khá chậm. Giá khô đậu tương thế giới vẫn đang ở mức cao khiến cho các doanh nghiệp sản xuất đang thận trọng chờ thêm diễn biến mới. Sáng 21/12, giá khô đậu tương được bán trong khoảng 14.700 đồng/kg cho kỳ hạn giao đến cuối năm nay.

Giá khô đậu tương thế giới biến động mạnh mẽ

Khô đậu tương là thành phẩm chính từ quá trình ép dầu hạt đậu tương và là loại nguyên liệu cực kì quan trọng trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi do tỉ lệ protein cao hơn so với hầu hết các loại nông sản khác. Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây cũng đồng thời trở thành nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 thế giới. Những biến động trên thị trường khô đậu tương thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu chi phí của ngành chăn nuôi nước ta.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên 20/12, giá khô đậu tương Chicago đóng cửa ở mức 452 USD/tấn. Trong khi giá 2 loại nông sản khác là ngô và lúa mì đã sụt giảm đáng kể từ đầu quý IV, thì giá khô đậu tương mới chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt hơn trong vài phiên gần đây. Trước đó, vào đầu tháng 12, thị trường chăn nuôi đã không khỏi bất ngờ và lo lắng trước chuỗi tăng liên tiếp của mặt hàng này.

Nhu cầu tiêu thụ khô đậu tương trong ngành chăn nuôi suy yếu đang tạo sức ép lên giá mặt hàng này. Tính đến giữa tháng 12 năm 2022, mặc dù lượng hàng đặt trước của Trung Quốc cao hơn 54% so với cùng kỳ nhưng khối lượng thực tế từ Mỹ đến quốc gia tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới này vẫn đang thấp hơn 4%. Triển vọng nhu cầu thịt lợn cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được dự báo sẽ yếu hơn ​​do nhiều người vẫn phải tự cách ly trong bối cảnh tỷ lệ COVID-19 tăng cao, mặc dù các chính sách kiểm soát đã nới lỏng hơn vào đầu tháng 12.

Ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt phải rủi ro tăng giá nguyên liệu

Theo MXV, giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong quý I năm 2023 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng mùa vụ tại các quốc gia cung ứng hàng đầu như Brazil và Argentina.

MXV cho biết, nếu như diện tích gieo trồng đạt kỷ lục, cùng với tiến độ ở Brazil đang diễn ra khá thuận lợi thì mùa vụ ở Argentina lại đang gặp khá nhiều bất lợi.

Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, lượng mưa những ngày gần đây vẫn không đủ để nông dân Argentina có thể đẩy mạnh việc gieo trồng đậu tương tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Tiến độ trồng đậu tương niên vụ 22/23 tại nước này mới chỉ đạt 50,8% trên tổng số 16,7 triệu héc-ta dự kiến, chậm hơn 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động gieo trồng càng diễn ra chậm thì sản lượng tiềm năng càng thấp do cây trồng không được phát triển trong khung thời gian lý tưởng.

Câu hỏi hiện nay là thiệt hại tiềm năng ở Argentina sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường toàn cầu? Argentina là nước xuất khẩu khô đậu nành và dầu đậu nành lớn nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến xuất khẩu khô đậu từ quốc gia Nam Mỹ này sẽ chiếm 38% thương mại toàn cầu. Với tình hình hiện tại của Argentina, nếu có thêm bất kì rủi ro tương lai nào đối với mùa vụ Brazil, giá khô đậu tương sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới vào đầu năm sau, tương tự như 2 năm trước.

Tuệ Minh

Xem thêm: lmth.448685a-ioun-nahc-hnagn-iov-iod-nahk-ohk-yag-oav-uad-ihp-ihc/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chi phí đầu vào gây khó khăn đối với ngành chăn nuôi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools