Điền kinh là điểm sáng ở Đại hội thể thao toàn quốc 2022 - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Được tổ chức 4 năm một lần, đại hội thể thao toàn quốc nhằm tổng kết và đánh giá quá trình đầu tư, phát triển thể thao của các địa phương trên cả nước để từ đó tìm kiếm tài năng và định hướng phát triển thể thao VN trong tương lai.
Vươn lên trong khó khăn
Tại đại hội, nhiều đoàn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Theo ban tổ chức đại hội, Bắc Kạn là đoàn đăng ký dự thi ít nhất khi chỉ có 12 VĐV. Đoàn Kon Tum cũng chỉ có một số ít VĐV dự thi ở 6 môn.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Kon Tum cho biết có VĐV vừa là nhân viên của sở, vừa là HLV của... chính mình. Do khó khăn, mỗi năm ngân sách tỉnh cấp cho thể thao trong đó có cả đội bóng đá chưa đến 10 tỉ đồng. Do đó, các VĐV chỉ được tập huấn 1-2 tháng trước giải đấu, thời gian còn lại ở nhà làm nương rẫy. Dù vậy, thể thao Kon Tum vẫn nỗ lực giành 2 HCB, 4 HCĐ và đứng thứ 61/65 đoàn dự đại hội.
Lò Thị Hồng Lan (Cao Bằng) là một trong những VĐV nhỏ tuổi nhất tham dự nội dung nhảy cao tại đại hội. Cô bé 16 tuổi, cao 1,54m hiện là học sinh Trường THPT Cao Bằng. Lần đầu tham dự đại hội, người hâm mộ trên sân Mỹ Đình rất ngạc nhiên khi Hồng Lan mặc trang phục như học sinh, đi đôi giày học sinh chứ không phải giày nhảy cao khi bước vào phần thi của mình.
Hồng Lan chia sẻ: "Em mới tập nhảy cao từ năm lớp 7 và chỉ tập ở trường. Mức xà cao nhất em nhảy qua là 1,50m. Hôm nay em đăng ký mức xà khởi điểm 1,45m nhưng không nhảy qua lần nào. Do lần đầu tham dự đại hội nên hồi hộp, hơn nữa em cũng bị ốm. Ra đây thấy các anh chị nhảy cao quá, ăn mặc đẹp, em rất thích!". Dù không đạt thành tích nhưng sự có mặt của những cô bé như Hồng Lan khiến đại hội thêm phần ý nghĩa.
Khắc phục những bất cập
Tuy có nhiều cuộc thi đấu hấp dẫn, kịch tính ở nhiều môn như điền kinh, bơi lội, thể dục, cử tạ, bắn súng... nhưng cũng có không ít những bất cập về chuyên môn mà ban tổ chức cần rút kinh nghiệm.
Đó là việc cần ban hành điều lệ đại hội sớm để các địa phương biết đại hội sẽ tổ chức môn gì, nội dung gì mà chuẩn bị. Tại đại hội này, ngày 25-8 Bộ VH-TT&DL mới ra điều lệ trong khi tháng 11 các cuộc thi đã bắt đầu. Kế đến, điều lệ quy định rất lỏng lẻo về tiêu chí VĐV được dự thi.
Cụ thể, VĐV chỉ cần có hợp đồng là VĐV với đơn vị mình dự thi từ ngày 1-9-2022 là sẽ được thi đấu khiến tình trạng mua bán, chuyển nhượng VĐV ở một số môn thi diễn ra thiếu minh bạch. Việc ở nhiều môn võ như boxing, muay, kickboxing có hàng chục hạng cân VĐV bỏ thi đấu trong những trận đấu tranh huy chương là điều không thể chấp nhận ở một đại hội cấp toàn quốc.
Được coi là "Olympic của thể thao VN" nhưng Đại hội thể thao toàn quốc 2022 tổ chức đến 43 môn, trong đó có rất nhiều môn thể thao truyền thống của VN mà các đại hội thể thao quốc tế không có như đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, đá cầu... Điều này là đề tài gây tranh cãi bởi huy chương nào cũng rất đáng quý do VĐV phải đổ mồ hôi, nước mắt khổ luyện nhưng nếu có thể phân định rạch ròi giữa thể thao thành tích cao và thể thao truyền thống sẽ là điều tốt hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở VH-TT&DL một thành phố lớn nói: "Đại hội thể thao toàn quốc chỉ nên tổ chức các môn đỉnh cao có trong chương trình Asiad, Olympic. Các môn thể thao dân tộc, truyền thống nên tổ chức ở một đại hội khác, hoặc nếu đưa vào thì nên có hệ thống tính điểm riêng sẽ phù hợp hơn. Nếu tính như hiện nay, 1 HCV đẩy gậy có giá trị bằng 1 HCV điền kinh, bơi lội là quá khập khiễng".
Tối 21-12, lễ bế mạc Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 đã diễn ra tại Quảng Ninh, khép lại hơn một tháng tranh tài của thể thao VN. Bên cạnh những cuộc tranh tài đỉnh cao, từ đại hội cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra trong công tác hoạch định chính sách phát triển thể thao VN ở tương lai.
Hôm nay (21-12), Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 khép lại sau hai tuần tranh tài. Với chu kỳ bốn năm một lần, đại hội nhằm đánh giá quá trình đầu tư, phát triển của thể thao trong nước, hoạch định chính sách phát triển thể thao VN.