Trung Quốc hưởng lợi lớn
Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đang gặt hái được nhiều lợi nhuận hơn từ việc chế biến dầu giá rẻ của Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow tạo điều kiện cho phía Trung Quốc đàm phán giảm giá sâu hơn - Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành và các nhà phân tích cho biết.
Các quốc gia nhóm G7 đã đưa ra mức giá trần 60 USD một thùng đối với dầu của Nga từ ngày 5/12 và Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu bằng đường biển của Nga để hạn chế khả năng tài chính của nước này. Điều đó đã khiến Nga chuyển hướng bán dầu thô sang châu Á với mức chiết khấu cao hơn.
Trong khi Ấn Độ đang mua dầu thô Urals của Nga với giá dưới 60 USD/thùng, Trung Quốc vẫn mua dầu thô ESPO trên mức giá trần vì các nhà máy lọc dầu độc lập - chủ yếu ở tỉnh Sơn Đông nước này - thấy hấp dẫn với dầu Nga bởi khoảng cách vận chuyển ngắn và hàm lượng lưu huỳnh thấp trong dầu.
Ngoài ra, cũng không có sự thay thế đối với dầu có chất lượng tương tự như dầu thô ESPO của Nga ở mức giá thấp như vậy - các công ty Trung Quốc nói.
Do hầu hết các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ sớm kết thúc việc mua dầu thô giao trước Tết Nguyên đán vào ngày 20/1, nên những cơ sở bán ESPO cũng muốn "bán dọn hàng" ngay cả khi giá thấp hơn một chút, một nguồn tin giao dịch dầu có trụ sở tại Sơn Đông cho biết.
"Người mua Trung Quốc đang chào giá thấp hơn vì giờ đây họ có lợi thế lớn hơn trong đàm phán giá," người này nói.
Các thương nhân ước tính giá dầu thô ESPO với điều kiện Giao hàng trên tàu (FOB) là khoảng 65 USD/thùng, cao hơn mức giá trần của G7.
Một nhà phân tích dầu mỏ tại Trung Quốc ước tính việc tiếp cận với dầu giá rẻ đã giúp tăng lợi nhuận lọc dầu tại các nhà máy Sơn Đông lên trên 800 nhân dân tệ (114,59 USD)/tấn vào tuần trước, tăng từ mức dưới 600 nhân dân tệ/tấn vào đầu tháng 12. Các nhà máy lọc dầu độc lập chủ yếu xử lý dầu thô của Nga và dầu từ Iran và Venezuela.
Ấn Độ tăng cường nhập dầu thô Nga
Xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 14 lần và tăng gấp đôi sang Trung Quốc kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine. Nga buộc phải tìm những khách hàng mới để bù đắp cho khoảng trống mà châu Âu để lại - theo dữ liệu do Anadolu tổng hợp.
Sau sự kiện ngày 24/2, Mỹ và Anh đã cam kết chấm dứt nhập khẩu dầu thô từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô nhập khẩu bằng đường biển của Nga bắt đầu từ ngày 5/12, cùng ngày mà EU và G7 đồng ý đặt mức trần giá dầu là 60 USD/thùng dầu thô của Nga.
Lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu mỏ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2 năm sau, tương ứng với 90% lượng dầu nhập khẩu hiện tại của Nga. Tuy nhiên, Bulgaria đã được loại trừ khỏi các lệnh trừng phạt cho đến cuối năm 2024.
Với động thái cắt giảm nhập khẩu dầu Nga từ phía EU, Nga đã tìm kiếm khách hàng ở những nơi khác, đưa ra mức giá thấp hơn trong nỗ lực bán dầu thô của nước này.
Ấn Độ đã nổi lên như một trong những nước hưởng lợi từ dầu thô giá rẻ của Điện Kremlin. Nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ đạt mức trung bình cao nhất là 35.000 thùng/ngày vào năm 2021. Mặc dù nhập khẩu dầu thô từ Nga gần như bằng 0 trong tháng 1 và tháng 2/2022, nhưng mức nhập khẩu này lại tăng tới mức trung bình 68.000 thùng/ngày trong tháng 3/2022.
Từ đó tới nay, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga sang Ấn Độ tăng đều đặn, đạt 959.000 thùng/ngày vào tháng 11/2022, tăng gấp 14 lần.
TankerTrackers.com cho biết trong một bài đăng trên Twitter: "Ngay cả khi không tham gia áp giá trần cùng nhóm G7, lĩnh vực lọc dầu của Ấn Độ vẫn được hưởng lợi rất nhiều từ dầu thô Urals của Nga được giảm giá mạnh vì hiện có ít người mua hơn". Giá dầu Urals được giao dịch ở mức thấp hơn gần 1/3 so với giá dầu Brent chuẩn sau khi áp giá trần.
Xem thêm: nhc.87952034132212202-agn-auc-er-aig-uad-ohn-neit-ar-iah-couq-gnurt-uad-col-yam-ahn-cac/nv.fefac