Hội thảo Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm trên môi trường số thu hút đông đảo các bên liên quan tham gia
Nhiều ý kiến đa chiều đã được đề xuất tại hội thảo về ‘Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số’ diễn ra ngày 23-12 tại TP.HCM, thu hút sự chú ý của dư luận.
Được tổ chức trước thềm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, hội thảo trình bày một số nội dung đáng chú ý liên quan đến cơ chế thông báo, gỡ bỏ các nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, trình bày vấn nạn in sách giả, bán sách lậu trên môi trường số. Hiện có hơn 100 trang web rao bán hàng trăm ngàn tựa sách in lậu.
"Trước đây, việc in lậu 1-2 tấn sách đã là nhiều, nhưng gần nhất, PA03 Hà Nội đã phát hiện một cơ sở in lậu đến 100 tấn chỉ trong một lần phát hiện, hầu hết được bán trên các nền tảng online. Ngành xuất bản sắp chết. Chúng tôi hy vọng sớm có nghị định liên quan cơ chế gỡ bỏ vi phạm trên môi trường số để cứu tình hình nguy cấp của ngành xuất bản" - ông Lê Hoàng bày tỏ.
Chia sẻ về xử lý xâm phạm bản quyền trên không gian mạng và kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Văn Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông) cho biết, điểm mấu chốt là phải kết hợp giữa pháp lý và công nghệ.
Cơ chế pháp lý đã được quy định tại Điều 198B, còn công nghệ là kỹ thuật mà các nền tảng trung gian phải hỗ trợ để xử lý khi có báo cáo vi phạm.
Ông Hoàng Văn Bình phát biểu tại hội thảo
"Các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) là đầu mối để thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm nói chung và cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả nói riêng trên môi trường số" - ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhấn mạnh.
Theo ông, đội ngũ kỹ thuật kết hợp luật sư của VCPMC đã làm việc ngày đêm để rà soát, phát hiện và xử lý nhiều website, ứng dụng nhạc có nội dung xâm phạm bản quyền, trực tiếp gỡ bỏ hàng chục ngàn link nhạc… nhưng chỉ như "bắt cóc bỏ dĩa".
Nếu người gác cổng là các đơn vị ISPs phối hợp chặt chẽ và có quy định pháp luật cứng rắn hơn, tỷ lệ vi phạm sẽ được giảm thiểu.
Bên cạnh đó, ông Lê Sơn Tùng, Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và Dịch vụ SCONNECT Việt Nam, nêu ra một số bất cập trong cơ chế chặn, gỡ nội dung vi phạm trên môi trường số. Việc các nền tảng số xử lý nhanh bằng hệ thống tự động khiến việc khiếu nại quá dễ dàng, dễ dẫn đến thực trạng lạm dụng quyền khởi kiện, điển hình là vụ Sói Wolfoo bị khởi kiện tại Nga và Mỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Đại diện giới làm luật, ông Phan Vũ Tuấn (Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law) phản biện rằng các đơn vị bị tấn công như Sconnect hoàn toàn có thể khởi kiện các đơn vị đã lạm quyền, không thể vì thế mà yêu cầu phải áp dụng cơ chế đưa khiếu nại, xin ý kiến, chờ phản hồi...
Chủ sở hữu phải có cơ chế để yêu cầu gỡ bỏ hành vi xâm phạm ngay lập tức, nhưng đồng thời phải cung cấp đủ hồ sơ theo quy định và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu lạm quyền và khiếu nại sai.
Bà Thanh Thủy, đại diện công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, chia sẻ: "Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về mức độ vi phạm bản quyền trên môi trường số, nhưng theo bình quân đầu người thì tỷ lệ vi phạm tại Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực".
Theo bà Thanh Thủy, công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, K+ là đơn vị bị vi phạm bản quyền 'đau thương' nhất, và đề xuất giải pháp chặn truy cập thay vì gỡ bỏ nội dung. Cần chặn lập tức 3 dịch vụ ISPs cung cấp cho các web lậu: chặn IP, chặn DNS, chặn CDN, và tất cả ISPs phải chặn đồng thời, nếu có đơn vị chặn trễ thì sẽ "thua" các web lậu...
Là Phó chủ tịch liên minh sáng tạo nội dung số, bà Phạm Thị Quyên đặt vấn đề về quy trình xử lý vi phạm với các nền tảng xuyên biên giới như Tiktok, Facebook... Liệu họ có bị chế tài theo pháp luật Việt Nam? Sản phẩm trên nền tảng số có đặc thù diễn ra rất nhanh, nhưng quy trình xử lý theo pháp luật lại còn khá chậm...
Khép lại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) cho biết, để có quy trình chung cho tất cả ISPs là rất khó. Hiện tại, có 2 quy trình xử lý đang được đề xuất, sẽ tiếp tục được lắng nghe và tiếp thu.
Ông cũng chia sẻ chỉ còn một tuần, Luật sẽ ban hành và có hiệu lực. Các chủ thể liên quan cần chuẩn bị về nhân lực, tự rà soát và điều chỉnh lại kỹ thuật, cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan… để cùng vào cuộc đồng bộ, tránh sự "biến hình" của các đơn vị vi phạm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (bìa phải) chia sẻ về quy trình 3 bước và quy trình 5 bước đang được đề xuất
TTO - Hàng loạt website ngang nhiên vi phạm bản quyền phát sóng trực tiếp các trận bóng đá trên không gian mạng Việt Nam, đem lại mối lo không nhỏ.
Xem thêm: mth.96422016132212202-enilno-nab-hcas-nat-001-coud-ual-ni-gnuc-os-oc-tom-ihc-gnaoh-el-gno/nv.ertiout