Cựu phó tổng giám đốc AIC Hoàng Thị Thúy Nga tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Ngày 23-12, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC tiếp tục phần xét hỏi. Đại diện viện kiểm sát cùng các luật sư tiếp tục tham gia thẩm vấn.
Theo cáo buộc, cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã dùng nhiều chiêu trò thông thầu, gian lận thầu AIC và các công ty được chỉ định trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại Đồng Nai, với tổng trị giá hơn 665 tỉ đồng.
Bà Nhàn bị quy kết hưởng lợi trái pháp luật hơn 148 tỉ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước 152 tỉ đồng.
Tại tòa, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Công ty AIC và các cá nhân gây thiệt hại bồi thường 152 tỉ đồng. Số tiền này được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định là thiệt hại trong vụ án.
Khi được hội đồng xét xử hỏi ý kiến, đại diện của Công ty AIC có mặt tại tòa cho hay trong giấy triệu tập xác định Công ty AIC tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng trong phần thủ tục viện kiểm sát lại xác định công ty là bị đơn.
"Đề nghị xác định rõ là công ty là bị đơn hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan", đại diện Công ty AIC nói.
Trước đề nghị trên, đại diện viện kiểm sát đưa ra quan điểm xác định Công ty AIC là bị đơn dân sự trong vụ án.
Đại diện Công ty AIC cho biết quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phong tỏa tài sản của công ty và một số tài liệu đã thể hiện AIC có ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai về cung cấp thiết bị trong 16 gói thầu.
"Về nguyên tắc mà nói trong quan hệ hợp đồng bên nào gây thiệt hại thì bên ấy phải bồi thường nên chúng tôi là bị đơn dân sự trong vụ án này là hoàn toàn chính xác. Đã là bị đơn chúng tôi gây thiệt hại thì đương nhiên chúng tôi phải bồi thường và bồi thường toàn bộ thiệt hại mà chúng tôi gây ra", đại diện Công ty AIC nói.
Cũng theo vị đại diện Công ty AIC, Cơ quan điều tra đã phong tỏa 4 tài khoản của AIC gửi tại ngân hàng với số tiền hơn 107 tỉ và "chúng tôi chấp nhận sự phong tỏa này để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường cho chủ đầu tư.
Khi công ty chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại thì đồng nghĩa các bị cáo là nhân viên của AIC không phải bồi thường nữa", đại diện công ty nói và đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là nhân viên của AIC.
Trước đề nghị trên, hội đồng xét xử quay sang hỏi ý kiến các bị cáo là nhân viên của AIC. Trong số này có nhiều bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả.
Tại tòa nhiều bị cáo vẫn xin "tự nguyện khắc phục hậu quả" vì những sai phạm do mình gây ra.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên đối với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 357m2 tại phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi biệt thự này bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên.
Cơ quan điều tra cũng kê biên với tài sản là một nhà biệt thự diện tích 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngôi biệt thự này đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Sáu căn hộ tại chung cư Pacific Place ở 83B phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội của bà Nhàn và một thửa đất diện tích 4,065m2 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội của AIC cũng bị kê biên.
Ngày mai (24-12), phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn trước khi viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.
Tòa cho trình chiếu 'quy trình 70 bước' gian lận đấu thầu do chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lập ra và thẩm vấn các nhân viên của công ty về cách vận hành quy trình này.