Người dân tập thể dục buổi sáng tại kênh Hàng Bàng (đoạn nối với kênh Lò Gốm thuộc quận 6, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Hàng loạt địa danh như Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tham Lương - Vàm Thuật, Nhiêu Lộc - Thị Nghè... đã được báo động đỏ.
Lúc đó, tôi đã hy vọng từ bài báo này, sẽ giúp những con sông, kênh rạch ở thành phố được nhiều người chú ý hơn để làm gì đó có ý nghĩa cho chúng. Nhưng đến lúc này, nhiều sông rạch Sài Gòn vẫn bị ô uế nghiêm trọng, còn bị bức tử, bị vùi lấp, hủy hoại cả môi trường tự nhiên.
Daylighting, giải pháp nguyên bản
Hiểu một cách nôm na, Daylighting là việc hồi sinh các con sông bị lấp tại các thành phố có nền công nghiệp cao.
Nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học đã chứng minh bằng thực tiễn rằng, việc áp dụng phương pháp Daylighting, hồi sinh những dòng chảy tự nhiên ngay trong lòng thành phố, đưa chúng đến với ánh sáng mặt trời, sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề về chất lượng môi trường sống, giúp việc xử lý nước thải, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị bằng cách hấp thụ nhiệt, ngăn ngừa lũ lụt cục bộ tại các đô thị.
Minh chứng gần nhất cho sự thành công của phương pháp Daylighting là con suối Cheonggyecheon ở thành phố Seoul, Hàn Quốc. Suối Cheonggyecheon có từ lâu đời và bắt đầu những năm 1940, khi thành phố Seoul phát triển nóng dần thì con suối này bị ô nhiễm nặng nề, đến nỗi chính quyền Seoul lúc bấy giờ quyết định lấp luôn con suối để xây đường cao tốc.
Sau nhiều năm khi đường cao tốc này xuống cấp thì chính quyền thành phố Seoul nhận ra việc con suối bị lấp đã khiến môi trường sống nơi này bị ảnh hưởng trầm trọng, mọi sự phát triển đều không bền vững. Và họ quyết định Daylighting - hồi sinh lại con suối Cheonggyecheon.
Kế hoạch này hoàn thành năm 2006 và ngày nay con suối Cheonggyecheon đã được hồi sinh giữa lòng thủ đô Hàn Quốc, giúp cho môi trường sống nơi đây trở nên tốt nhất Seoul.
Khơi lại dòng chảy cho con cháu
Người Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc đã chấp nhận áp dụng Daylighting để khơi dậy những mạch ngầm dưới lòng các thành phố của họ, để phát triển bền vững. Còn TP.HCM thì sao? TP.HCM không khác nhiều về địa thế so với nhiều thành phố từ các quốc gia này.
Nhiều năm đã qua, lãnh đạo các cấp ở TP.HCM đã trăn trở và định hướng việc khôi phục những dòng sông, kênh rạch thành phố, để trả chúng về với tự nhiên trong lành. Cụ thể là những dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Hàng Bàng đã được triển khai...
Tuy nhiên, khó khăn gặp phải là chuyện không tránh khỏi và liệu việc giải quyết vẻ trong lành mặt nước có phải là điều căn cơ? Cần phải tham khảo từ đâu để cứu những con sông đang chết dần ở TP.HCM?
TP.HCM nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn với mạng lưới sông ngòi kênh rạch và mạch ngầm vô cùng đa dạng. Nhưng điều khác biệt duy nhất khiến nhiều con nước ở TP.HCM chết dần mòn là do chúng không được khơi thông dòng chảy, thậm chí chúng còn bị lấp đi.
Việc trả lại sự trong lành cho các con sông, kênh rạch ở TP.HCM phải là mệnh lệnh từ trái tim, và phải có sự nghiên cứu, tham khảo cũng như đề xuất mang tính căn cơ từ nhiều nguồn cứ liệu, chứ không thể duy ý chí.
Cải tạo lại những dòng kênh đen, khai thông lại dòng chảy cho chúng ở TP.HCM vốn sẽ mất nhiều tâm lực và tài lực, nhưng điều đó là đáng giá vì chúng ta không thể để thế hệ sau phải nhận lãnh hậu quả từ sự thờ ơ của chúng ta.
Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 2.000km kênh, rạch. Trong đó, nhiều tuyến kênh, rạch chảy qua nội đô đang bị ô nhiễm nặng nề. Vấn đề gây nhức nhối chính là tình trạng lấn kênh, chiếm rạch diễn ra ở một số nơi.
Xem thêm: mth.87391439042212202-uas-eh-eht-ohc-yahc-gnod-ial-iohk-hcar-hnek/nv.ertiout