Những ngày cuối tháng 12, trên chuyến bay của Hãng hàng không Air France của Pháp từ Paris về TP.HCM, tôi cảm nhận được không khí háo hức của bà con kiều bào châu Âu. Do đại dịch COVID-19, phải mất cả ba năm, nhiều người Việt ở nước ngoài mới được về quê thăm nhà, đoàn tụ với gia đình, người thân, bạn bè.
Một anh người Việt sống ở Marseille ngồi kế bên tôi cũng không giấu được niềm háo hức, nôn nóng đếm ngược 10 tiếng, 6 tiếng, rồi 2 tiếng đến khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất.
6h45 sáng, chiếc Boeing 777 dừng hẳn và tín hiệu cài dây an toàn được tắt. Hành khách nhanh chóng đứng dậy, lấy hành lý, kiên nhẫn chờ đợi ra khỏi máy bay.
Chuyến bay chúng tôi là một trong những chuyến bay đầu tiên "cập bến" sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày. Tôi nghe nhân viên sân bay nói với nhau: "Khách xuống rồi! Khách xuống rồi!".
Tôi chọn đứng vào hàng ngoài cùng bên phải để làm thủ tục nhập cảnh. Vài phút sau, 2 quầy khác được mở, một số người đang xếp hàng trước tôi nhanh chóng chạy qua quầy mới mở. Tôi thầm mừng nghĩ răng chắc mình sẽ sớm ra được gặp gia đình đang chờ bên ngoài.
Nhưng sau 10 phút tôi chợt nhận ra hàng tôi đang đứng chẳng di chuyển được bao nhiêu. Một quầy nhập cảnh khác lại mở, một số khách đang xếp hàng và khách của chuyến bay khác vừa mới đến lại nháo nhào chạy sang quầy mới.
Theo tôi quan sát, do buổi sáng không phải giờ cao điểm nên có khoảng một nửa quầy làm thủ tục còn đóng còn những quầy mở thì rất đông người xếp hàng.
Sau 30 phút, các chị người Việt đi cùng con nhỏ đứng sau tôi bắt đầu sốt ruột. Một số hàng di chuyển nhanh, một số hàng lại di chuyển rất chậm. Theo tôi biết đó không phải là lỗi của cán bộ nhập cảnh mà là do máy tính ở quầy đó nhanh hay chậm. Anh bạn ngồi kế bên tôi trên máy bay xếp hàng khác và đã được nhập cảnh trong khi đứng trước tôi là còn khoảng 8 người nữa.
7h45 sáng, tức một tiếng sau khi máy bay đáp, tôi cuối cùng cũng gặp được anh cán bộ nhập cảnh. Anh chỉ hỏi tôi vài câu đơn giản như tên họ, bay từ đâu đến rồi nhập thông tin vào máy tính. Anh nhìn xung quanh rồi thở dài, nói với đồng nghiệp: "Nãy giờ làm mãi mà hàng vẫn dài".
Máy tính cuối cùng cũng tải xong, anh đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu và tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Tôi nhanh chóng lấy hành lý của mình đã ra trên băng chuyền. Sau đó là cho hành lý vào máy chiếu - một khâu tôi không thấy ở các sân bay nước ngoài.
8h sáng, tức 1 tiếng 15 phút từ khi máy bay đáp, tôi được ra ngoài đoàn tụ cùng gia đình. Khi nói chuyện với các bạn khác cũng từ nước ngoài về Việt Nam, ai cũng chia sẻ là mất nhiều thời gian ở khâu nhập cảnh, làm người thân đến đón bên ngoài rất sốt ruột và lo lắng vì máy bay đáp xuống đã lâu mà không thấy người nhà ra. Tôi còn may mắn đến vào sáng sớm chứ nếu về vào giờ cao điểm như chiều tối thì sẽ chắc còn phải đợi lâu hơn.
Còn nhớ năm 2019 khi về lại Viêt Nam, tôi "nhanh trí" xếp vào hàng dành cho công dân ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam) và được làm thủ tục nhập cảnh rất nhanh. Lần này về vào tháng 12-2022, tôi chỉ còn thấy quầy nhập cảnh dành cho người có hộ chiếu ngoại giao, quầy cho tiếp viên và phi công các hãng hàng không, quầy cho người đi xe lăn và còn lại là cho tất cả hộ chiếu (All passports). Những người có quốc tịch Việt Nam và người quốc tịch nước ngoài (được miễn visa, visa dài hạn, visa điên tử…) đều phải xếp cùng 1 hàng.
Ở những nước tôi có dịp đặt chân đến như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, luôn có ít nhất các quầy nhập cảnh dành riêng cho cư dân mang hộ chiếu của nước sở tại hay những người có thị thưc lưu trú dài hạn, được đi ra rất nhanh và tránh được những thủ tục rườm rà. Mỗi lần từ Viêt Nam sang lại châu Âu, tôi quan sát thấy công dân các nước thuộc liên minh châu Âu chỉ cần bỏ hộ chiếu có gắn chíp điện tử vào máy đọc của cổng tự động là có thể nhập cảnh nhanh chóng.
Tôi chưa từng đến sân bay nào mà không có quầy nhập cảnh riêng dành cho công dân nước mình. Trong tương lai, hộ chiếu Viêt Nam cũng sẽ được gắn chip và mong là các sân bay quốc tế của Việt Nam sẽ được trang bị các cổng tự động giúp cho việc nhập cảnh nhanh chóng hơn. Trong tương lai gần như dịp năm mới và Tết sắp đến, sẽ càng nhiều người Việt đi du lịch nước ngoài về lại Việt Nam hay kiều bào trở về quê hương và các hàng ở quầy nhập cảnh sẽ càng dài hơn.
Lần này về Việt Nam, nhân viên sân bay tôi được tiếp xúc không "khó đăm đăm" mà đều nghiêm túc và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mong rằng các thiết bị công nghệ sẽ được nâng cấp hơn, tốc độ ở các quầy làm thủ tục đồng đều nhau, khâu tổ chức ở sân bay hợp lý hơn, bớt hỗn loạn, ai đến trước sẽ được ra trước. Và mong rằng có quầy nhập cảnh dành riêng cho người có hộ chiếu Việt Nam, vì đây là đặc quyền của một người con đất Việt khi trở về quê hương mình.
Gần 5.000 ý kiến của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ bàn về câu chuyện vì sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam không đạt mục tiêu như dự kiến, với chỉ khoảng 3,5 triệu lượt du khách trong năm 2022.
Xem thêm: mth.99220416142212202-gnohk-noh-hnahn-yab-nas-o-hnac-pahn-ed-oan-hcac-oc/nv.ertiout