Ngày 23/12, phiên xét xử đại án AIC tại TAND Hà Nội bước vào ngày thứ ba với phần đặt câu hỏi từ các luật sư. Hành vi thông đồng giữa AIC và 8 công ty "quân xanh" tại 16 gói thầu dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp tục được làm sáng tỏ.
Đây là dự án nhóm A do Thủ tướng phê duyệt, giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, năm 2006. Sau 7 lần thay đổi, tổng vốn đầu tư cho bệnh viện gần 2.000 tỷ đồng, quy mô 700 giường.
Nhà chức trách cáo buộc, Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang trốn truy nã ở nước ngoài) đã móc nối với một loạt lãnh đạo tỉnh và bệnh viện Đồng Nai để được ưu tiên, tạo điều kiện dự thầu. Sau đó, bà Nhàn cũng chỉ đạo nhân viên mua hồ sơ mời thầu cho cả công ty "quân xanh, quân đỏ" để nộp hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng để AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế, tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng.
Xác nhận các cáo buộc này, bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ, công ty AIC) khai trước khi dự đầu, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc AIC) sẽ báo về việc AIC hay công ty "quân xanh" sẽ trúng thầu.
Bà Nga đưa danh sách các công ty "quân chính" và "quân xanh" để Tuân xin giấy giới thiệu khống, chuyển cho nhân viên khác mua hồ sơ dự thầu cho cả AIC và các công ty này.
Người được Tuân giao nhiệm vụ mua hồ sơ dự thầu là bị cáo Nguyễn Tấn Sỹ. Tại toà, Sỹ thừa nhận các giấy giới thiệu do Tuân đưa đã ký sẵn và đóng dấu; còn tên công ty mua hồ sơ dự thầu, người nộp chưa có, chưa điền số CMND. Tức là đều là các giấy giới thiệu khống.
Cầm các giấy giới thiệu khống này đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để mua hồ sơ dự thầu, Sỹ bị Phan Minh Trí (chuyên viên Phòng hành chính) từ chối.
"Anh Sỹ mang giấy giới thiệu để trống tên đơn vị mua thầu đến, bảo muốn mua hộ tất cả công ty khác nhưng tôi không đồng ý, không được mua như thế, ai mua thì phải tự đến, có giấy giới thiệu điền đủ tên và số CMND", bị cáo Trí khai tại TAND Hà Nội.
Trí nói đã nhắc nhở Sỹ "pháp luật không cho làm thế", nhưng chỉ vài phút sau, đã thấy Sỹ cầm theo một tập CMND đi vào, điền vào từng giấy giới thiệu rồi tự ký tên phía dưới.
Đối chất sau đó, Sỹ ban đầu không thừa nhận và ngay lập tức đại diện VKS phải công bố lại các bút lục lời khai của bị cáo này tại cơ quan điều tra. Nghe xong, Sỹ khai: "Do lúc đó việc mua hồ sơ thầu gấp, tôi đã nhờ những người xung quanh".
Cụ thể, Sỹ ra ngoài cổng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nhờ các lái xe ôm cho mượn CMND của họ và trả 50.000 đồng/người. Từ đây, Sỹ mang vào cho Trí viết biên nhận. Sỹ tự ký thay những người này.
Trong vụ án, Sỹ và Tuân đều bị xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10-20 năm tù.
Công ty 'quân xanh': Muốn bán máy cho bệnh viện, phải thông qua AIC
Theo khai nhận tại tòa, hai công ty thiết bị y tế do chấp nhận làm "quân xanh" giúp AIC nên đổi lại đã được AIC mua sản phẩm.
Bị cáo Nguyễn Văn Bằng (cựu Giám đốc Công ty Tâm Hợp) cho hay trong giai đoạn 2012, Công ty Tâm Hợp đang có 14 thiết bị y tế muốn bán nhưng chưa có "đầu ra". Khi này, một nhân viên của Bằng gợi ý, có thể làm "quân xanh" cho AIC trong các gói thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, để sau đó AIC giúp bán máy móc vào bệnh viện.
"Nhận thức pháp luật của bị cáo khi đó về đấu thầu còn hạn chế, nghĩ đơn giản là làm hồ sơ 'quân xanh' cũng không gây hại. Không có tư lợi nào trong gói thầu đó để có thể bán được 14 thiết bị y tế", Bằng khai.
Tuy nhiên, chủ tọa Mai Văn Quang phân tích: "Để bán được 14 sản phẩm thì phải làm 'quân xanh' cho AIC đúng không? Chính thế nên bị cáo mới tham gia làm 'quân xanh'. Đó là hành vi thông thầu đấy?".
Bằng phân trần, sau này được cơ quan điều tra giải thích mới biết đó là vi phạm pháp luật. 14 thiết bị sau này được AIC mua lại, thu lãi 2,8 tỷ đồng. Số tiền này được VKSND Tối cao xác định nằm trong tổng thiệt hại của vụ án, hơn 150 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, Công ty Tạ Thiên Ân do bị cáo Huỳnh Tuấn Anh làm Giám đốc đã ký 12 bản báo giá khống theo yêu cầu của AIC để AIC sau đó lập chứng thư thẩm định giá theo mức mong muốn, cao hơn 1,3-2 lần so với giá thực tế.
Khi Tuấn Anh nói chỉ ký theo yêu cầu của AIC, không biết sau đó được chuyển cho ai, chủ tọa Mai Văn Quang chỉ rõ: "Sau đó AIC chuyển báo giá cho bên thẩm định giá ra chứng thư. AIC trúng thầu 13 gói, gây thiệt hại hơn 128 tỷ đồng. Về hành vi này, bị cáo có suy nghĩ gì không?".
Bị cáo Tuấn Anh đáp nhanh, hai lần khẳng định "ký trong vô thức". "Bị cáo cứ nghĩ là mang tính chất chào hàng và giới thiệu sản phẩm. Nếu bệnh viện mua phải thông qua hội đồng khoa học kỹ thuật, cơ quan thẩm định, sở ban ngành phê duyệt sau đó đấu thầu rồi mới được mua sắm. Nhận thức của bị cáo không hiểu biết sâu", Tuấn Anh trình bày.
Tiếp tục truy vấn, chủ tọa hỏi: "Bị cáo phải biết. AIC nhờ bị cáo ký các báo giá thì phải có điều kiện chứ, sao mà vô thức được?".
Sau hồi lâu suy nghĩ, Tuấn Anh thừa nhận, trước khi "qua lại" với AIC từng giới thiệu sản phẩm với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ở đây đòi hỏi các thiết bị phải tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Trong khi quy trình kiểm tra, kiểm duyệt, thẩm định sản phẩm rất phức tạp...
"Nghĩa là muốn bán sản phẩm cho bệnh viện, bị cáo phải thông qua AIC mới bán được, muốn bán được thì bị cáo phải ký giấy báo giá khống cho AIC đúng không?", chủ tọa hỏi.
Tuấn Anh đáp: "Đúng".
Cùng bị VKS cáo buộc giúp AIC thông thầu, song các công ty "quân xanh" trong vụ án nhận những kết cục khác nhau.
Đại diện Công ty Cát Vân Sa cho hay, công ty không nhận lợi ích gì từ AIC khi ký 13 bảng báo giá, không những không được ưu ái gì mà còn bị AIC chậm thanh toán tiền máy móc, gây nhiều khó khăn, phải nhờ ngân hàng gây áp lực thì mới được trả.
Bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch Cát Vân Sa, thừa nhận các sai phạm, song sau giai đoạn điều tra đã bỏ trốn ra nước ngoài, đang bị truy nã.
Trong 8 bị cáo đang bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt, sáng nay hai người có đơn gửi về TAND Hà Nội, giải thích "không bỏ trốn" mà đang ở Mỹ trị bệnh, chăm sóc người thân nên chưa thể có mặt tại phiên tòa.
Nhà chức trách cáo buộc muốn Công ty AIC được trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã thông thầu để AIC trúng 16 gói thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trị giá hơn 665 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 150 tỷ đồng.
Bà Nhàn bị xét xử về tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái bị xét xử về tội Nhận hối lộ. Ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Sở Y tế, cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
32 bị cáo còn lại bị xét xử về các tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thanh Lam - Phạm Dự