vĐồng tin tức tài chính 365

Lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ sau chỉ đạo "rắn" của Ngân hàng Nhà nước

2022-12-24 17:41
Lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ sau chỉ đạo "rắn" của Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất tiền gửi về 9,5%/năm

Sau giai đoạn liên tục tăng nóng, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã chững lại và hạ nhiệt trong những ngày gần đây. Ngày 21/12, BaoViet Bank đưa lãi suất tiền gửi tại quầy về mức cao nhất còn 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng so với mức lãi suất cao nhất lên tới 10,2-10,3%/năm áp dụng trước đó.

Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi online đối với khách hàng cá nhân cao nhất là của nhà băng này vẫn duy trì mức 9,75-9,8%/năm kỳ hạn 11-13 tháng khi gửi tiết kiệm trên ứng dụng Baoviet Pay.

Từ ngày 20/12, Saigonbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới giảm mạnh khoảng 0,4 - 1 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó lãi suất cao nhất tại ngân hàng này giảm từ 10,5% xuống 9,5%/năm.

Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm 0,4 điểm % xuống 9,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 9,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,4 điểm % xuống 9,4%/năm.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 19/12, Ngân hàng số Cake by VPBank cũng giảm huy động tối đa về mức 9,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, từ mức 9,7%/năm hồi đầu tháng. OceanBank mới đây đã hạ lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm.

Hay MSB cũng điều chỉnh giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Ở kỳ hạn từ 13 - 36 tháng, mức lãi suất tiết kiệm giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.

VPBank đã giảm lãi suất tại sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings. Cụ thể, trước đó ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 11%/năm tại sản phẩm này trong tháng đầu tiên ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, tuy nhiên hiện tại lãi suất cao nhất của sản phẩm này giảm xuống chỉ còn 9,25%/năm.

Trong khi đó, tại PVComBank, mức lãi suất cao nhất giảm từ 9,9%/năm xuống còn 9,7%/năm cho hình thức tiết kiệm online, kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.

Trước đó (ngày 15/12) Ngân hàng Nhà nước có văn bản 8728/NHNN yêu cầu ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước. Mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó là lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Cần sự đồng thuận trong bối cảnh khó khăn

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS, Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này.

Giải pháp này kỳ vọng làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – TP.HCM cho rằng, việc các ngân hàng đồng thuận giữ mức lãi suất tiền gửi tối đa không quá 9,5%/năm, cũng như đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng là những giải pháp hỗ trợ thiết thực và nhìn ở góc độ thực thi cơ chế chính sách, thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng.

Theo ông Lệnh, hành động này của các ngân hàng thương mại, thông qua vai trò Hiệp hội Ngân hàng đã thể hiện rõ nét trách nhiệm của ngành. Trách nhiệm đó, khi được hành động với sự đồng thuận, thống nhất cao từ các thành viên Hiệp hội sẽ mang lại những hiệu quả có ý nghĩa rất lớn.

Bởi việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương trong thời gian qua là cần thiết, để kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp xu hướng và diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới. Song lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, của doanh nghiệp.

Trong điều kiện đó, việc sử dụng các giải pháp hành chính: cải cách hành chính, giảm chi phí giao dịch, thời gian giao dịch cho khách hàng và đặc biệt đồng thuận giảm lãi suất hoặc không tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và góp phần quan trọng trong hỗ trợ chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương.

Thứ hai, trách nhiệm thực hiện chương trình phục hồi kinh tế của ngành Ngân hàng và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển được thực thi bằng hành động cụ thể, không chỉ bằng cơ chế chính sách, bằng thực hiện các giải pháp tiền tệ tín dụng mà còn bằng ý chí, tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng trong quan hệ truyền thống: ngân hàng - khách hàng và nền kinh tế.

Theo đó, sự đồng thuận trong việc giữ ổn định lãi suất hoặc không tăng lãi suất, cũng như điều chỉnh giảm lãi suất của một số ngân hàng thương mại sẽ củng cố và gắn kết hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng.

"Sự gắn kết này sẽ mang lại giá trị to lớn cho sự phát triển của chính các ngân hàng thương mại, bởi khi doanh nghiệp được hỗ trợ, được chia sẻ, sẽ phục hồi và tăng trưởng, điều này có tác động tích cực đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, mở rộng các hoạt động dịch vụ ngân hàng", ông Lệnh nói.

Thế nhưng, sau một thời gian đua lãi suất, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn chưa thực sự hạ nhiệt, nhất là khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,5% lãi suất trong ngày 14/12 và Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, đến năm 2024 mới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Vì thế, vẫn có phản ánh về tình trạng ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn lãi suất huy động thực tế. Đáng chú ý, ở một số nhà băng còn thỏa thuận "ngầm" cộng thêm biên độ lãi suất cho các khoản tiền gửi lớn để thu hút vốn nhàn rỗi.

Xem thêm: lmth.664213tsop-coun-ahn-gnah-nagn-auc-nar-oad-ihc-uas-ehn-maig-meik-teit-taus-ial/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ sau chỉ đạo "rắn" của Ngân hàng Nhà nước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools