Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh vào thăm bà Ba Thi và tham quan mô hình đổi mới ở Công ty Lương thực TP.HCM năm 1985 - Ảnh: Gia đình cung cấp
Kiên trung dấn thân vào hai cuộc kháng chiến, bà Ba Thi còn là nhân vật chính "chạy gạo ăn" cho gần 4 triệu dân TP.HCM sau năm 1975.
Và nói như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, "dì Ba Thi chính là một trong những người lính đi đầu đổi mới, dám nghĩ dám làm những việc có lợi cho dân, cho nước"...
Nhắc nhớ về bà Ba Thi, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ ông đã quen biết và kính trọng bà từ thời còn kháng chiến cho đến ngày đất nước hòa bình, khó khăn hậu chiến, rồi đổi mới, phát triển.
Đối diện thử thách
"TP.HCM cũng như đất nước sau ngày thống nhất gặp khó khăn chồng chất. Trước tình hình đó, dì Ba Thi cũng là người lính đi đầu, đóng góp hết sức quan trọng cho sự chăm lo đời sống người dân TP.HCM cũng như mở rộng ra cả nước. Theo tôi, dì Ba Thi có hai ưu điểm rất đáng trân trọng.
Thứ nhất dì đi đầu trong sự tháo gỡ khó khăn. Phải nói lúc đó tình hình khó khăn chồng chất, mọi người lúng túng không biết làm gì, thì dì là người đi đầu trong sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đó, đem lại lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân thành phố cũng như giúp ngược lại cho đồng bào Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình như đổi hàng hóa lấy gạo. Việc làm của dì Ba Thi có ý nghĩa rất lớn. Ưu điểm thứ hai của dì Ba Thi cũng là người đi đầu tìm ra cách làm ăn mới, sáng tạo mới, không gò bó trong cái cũ, và sau này trên cơ sở đó mà Đảng và Nhà nước đã có hướng đi đổi mới, phát triển.
Dì Ba Thi chính là người có đóng góp rất tích cực, rất có ý nghĩa cho TP.HCM cũng như cả nước", nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xúc động tâm sự...
Trở lại những năm cuối thập niên 1970, TP.HCM cũng như cả nước đối diện nhiều khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề lương thực.
Sau năm 1975, trên sổ sách thành phố cần lượng gạo cung cấp cho hơn 3 triệu nhân khẩu nhưng thực tế đã tăng lên khoảng 4 triệu theo dòng dân đi kinh tế mới quay trở lại thành phố.
Kể từ năm 1977, Sở Lương thực không đủ gạo bán cho nhu cầu miếng ăn của người dân. Có thời điểm kho dự trữ gạo cho thành phố này chỉ còn đủ gạo ăn trong hai tuần, thậm chí chỉ còn vài ngày, tình hình hết sức căng thẳng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người dân thành phố liền kề vựa gạo miền Tây Nam Bộ phải ăn độn thật sự. Trẻ em ăn hạt bo bo cứng đến chảy máu răng cứ tưởng là hạt bắp và ăn vào thế nào thì thải ra như thế ấy vì không thể tiêu được.
Đây cũng là giai đoạn trong nồi cơm của người dân có lẫn những lát khoai mì, khoai lang. Họ phải ăn độn thật sự để không đói, chứ không phải "ăn chơi cho lạ miệng".
Có câu nói tếu táo phản ánh thực tế là "được ăn cơm Hòa Lan", nhưng không phải là gạo nhập khẩu từ Hòa Lan mà được hiểu là nồi cơm hòa với... khoai lang.
Chính ông Nguyễn Thành Thơ, tức Mười Thơ, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đã nhắc lại chuyện thiếu hụt miếng ăn ngay trong gia đình vì nhà mình hay có anh em đồng đội cũ đến thăm.
Trong hồi ký Cuối đời nhớ lại, ông kể một buổi tối có vợ chồng nữ bác sĩ là người quen thời kháng chiến tìm đến nhà, đá vào cửa rào, giận dỗi nói: "Mười Thơ, gạo đâu ăn?". Ông phải vác bao gạo mới được cấp theo khẩu phần ăn gia đình mình để trao cho họ.
Hồi ký ông Mười Thơ cũng kể chi tiết: "Hai anh em con tôi, sau những ngày ăn bo bo, khoai bắp, vừa có gạo nấu nồi cháo. Em vào bếp múc tô cháo ăn. Anh thấy em ăn, cúi xuống hỏi mày ăn gì?
Người em lấy mặt che tô cháo, anh nắm lỗ tai kéo lên nói mày ăn cháo gạo không chờ ai ăn, rồi đẩy đầu em xuống tô cháo, mặt đầy cháo. Em ngóc đầu dậy, lấy tô cháo vụt vào mặt anh, trúng mé mắt máu ra lai láng.
Vợ tôi vội chở đến Bệnh viện Gia Định cầm máu, may lại. Dọc đường, đứa anh nói với mẹ đừng đánh em, tại con mấy ngày không được ăn cơm cháo gạo, thấy em ăn cháo gạo không kêu ai nên tức giận, có thái độ không phải với em...".
Chủ trương Nhà nước "cân đo" đảm bảo nồi cơm cho nhân dân đã lộ ra nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.
Sau năm 1975, để cải tạo công thương và phân phối lương thực cho TP.HCM, Trung ương đã điều hơn 3.000 mậu dịch viên vào chi viện và mở thêm hơn 1.000 cửa hàng bán gạo lẻ.
Người dân chưa kịp mừng "được ăn gạo giá rẻ" thì đối diện ngay với nhiều cửa hàng thường xuyên treo bảng tạm hết gạo, rồi gạo kém chất lượng bị mốc meo, lẫn bông cỏ, sỏi, thóc, thậm chí có cả sự khó chịu của các cô "cán bộ" mậu dịch. Họ đi mua dù chỉ vài kg gạo cũng phải xếp hàng mà nhiều khi cả ngày không mua được...
Các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm Bác Hồ năm 1969. Bà Ba Thi bìa trái - Ảnh tư liệu
Chạy gạo
Tình hình lương thực đã khó khăn lại càng căng thẳng thêm khi năm 1978 miền Tây Nam Bộ bị trận lụt lịch sử nhấn chìm các đồng lúa lớn, rồi chiến tranh biên giới.
Nguyên Phó thủ tướng Trần Phương kể lại tình hình này trong cuốn hồi ký Một thời hào hùng: "Nhiệm vụ nặng nề nhất của Chính phủ và của phó thủ tướng phụ trách phân phối - lưu thông hồi ấy là "chạy gạo".
Nhu cầu gạo ăn và thóc giống mỗi năm phải bảo đảm tối thiểu 300 kg thóc/đầu người (bao gồm cả ngô, khoai, sắn quy ra thóc). Dưới mức đó thì phải "vác rá" đi xin viện trợ của các nước anh em, hoặc vay nợ để mua lương thực".
Tình hình lương thực cả nước vẫn hết sức khó khăn. Riêng thực tế tại TP.HCM như ông Lữ Minh Châu, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kể lại có thời điểm lương thực căng thẳng tới mức chỉ còn gạo đủ ăn trong vài ngày.
Các lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố này và các ban ngành phải họp ngày đêm để "chạy gạo cho dân ăn". Ông Sáu Dân, tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là bí thư Thành ủy TP.HCM thời điểm ấy, hay nhắc đi nhắc lại: "Không được để một người dân nào đói".
Nhắc thời kỳ quay quắt với miếng ăn này, chính bà Trần Ngọc Điệp, vợ ông Lữ Minh Châu, cũng kể chồng mình làm cương vị giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, rồi tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà về nhà vẫn ăn cơm độn khoai, độn bo bo vì khẩu phần phải chia sẻ thêm người khác.
Trong một lần trò chuyện tại nhà riêng, ông Lữ Minh Châu đã kể lại cho người viết bài này chi tiết một ngày mà theo ông đã đi vào lịch sử "xé rào" của TP.HCM. Một hôm ông Sáu Dân, tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó là bí thư Thành ủy TP.HCM, gọi ông Châu sang nhà gỗ bên bờ sông Sài Gòn ở quận 2 để ăn sáng, bàn việc. Ông Châu linh cảm chuyện quan trọng, mà không quan trọng sao được trong hoàn cảnh thành phố và đất nước bộn bề khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ráo, tức Ba Thi (1922-2002), quê Trà Vinh, tham gia kháng chiến từ năm 1940 với nhiệm vụ liên lạc trong vai người buôn gạo. Năm 1945, bà được kết nạp Đảng và được tin giao nhiều cương vị quan trọng ở các tỉnh miền Tây và Sài Gòn - Gia Định như hội trưởng kiêm bí thư Đảng Đoàn Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Trà Vinh, ủy viên Đảng Đoàn Hội Phụ nữ Cứu quốc Gia Định, Ban Chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam và được cử vào Ban Thường trực Trung ương hội...
Năm 1953, bà Ba Thi lập gia đình cùng ông Nguyễn Trọng Tuyển (quê Hưng Yên, sau là bí thư Tỉnh ủy Gia Định, hy sinh năm 1959 tại Tây Ninh).
Sau năm 1975, bà làm phó giám đốc Sở Lương thực, giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM với nhiều thành tích "xé rào" cung ứng gạo cho người dân thành phố. Năm 1985, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và làm đại biểu Quốc hội khóa VIII.
**************
Sau này, người ta hay nhắc câu ông Sáu Dân nói bà Ba Thi rằng bà cứ lo "chạy gạo" cho dân thành phố ăn, nếu "xé rào" phải đi tù thì ông sẽ đi thăm nuôi. Thực hư thế nào?
>> Kỳ tới: Lo gạo cho dân ăn thì sợ gì tù tội
TTO - Sau khi Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã phát triển ổn định, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bắt đầu triển khai cụm dự án Hiệp Phước từ năm 1994 để tiếp tục thực hiện định hướng TP.HCM tiến ra Biển Đông.