Chiều 24/12, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc công ty AIC, bị cơ quan công tố đề nghị 30 năm tù cho hai tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Nhàn bị cơ quan công tố đề nghị mức án cao nhất trong 36 người tại đại án tại AIC, cũng là một trong 7 bị cáo được nhà chức trách xác định đang trốn truy nã, bị xét xử vắng mặt.
HĐXX chỉ định luật sư Dương Văn Nghị được bào chữa cho bà Nhàn. Mở đầu phần trình bày kéo dài hơn một giờ trong chiều 24/12, luật sư Nghị nêu thực tế không thể tiếp xúc được với bà Nhàn để thu thập các tài liệu chứng cứ bào chữa, cũng không thể biết có nhận tội hay không nhận tội.
Bà Nhàn không thể trình bày quan điểm về các chứng cứ tài liệu đồ vật và lời khai của các bị cáo khác, cũng không thể tự bào chữa. Mặt khác, do một số bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án như cấp Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà hay kế toán trưởng AIC Đỗ Văn Sơn và 4 bị cáo liên quan đang bỏ trốn, vì thế "việc bào chữa chỉ có thể căn cứ hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi tại tòa".
Ông Nghị nói có nghĩa vụ tôn trọng sự thật và áp dụng mọi biện pháp theo pháp luật quy định để làm sáng tỏ các tình tiết vô tội và các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ. Song với chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị cáo khác, ông "không thể có chứng cứ chứng minh bà Nhàn vô tội" nhưng đề nghị HĐXX xem xét bà Nhàn "có thực sự là chủ mưu như cáo buộc".
Theo ông, vai trò của bà Nhàn trong việc gian lận đấu thầu "chưa thể hiện rõ". AIC có hơn 100 ngành nghề kinh doanh chứ không chỉ thiết bị y tế.
Để thực hiện dự án cung cấp thiết bị y tế tại 16 gói thầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn ủy quyền cho Phó tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga. Việc ủy quyền được thể hiện rõ ràng bằng văn bản: Bà Nga ký đơn dự thầu, các văn bản tài liệu giao dịch bên mời thầu, tham gia thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, ký kết hợp đồng, phụ lục, biên bản nghiệm thu bàn giao bên chủ đầu tư và các văn bản khác có liên quan thực hiện các gói thầu nếu trúng thầu.
"Xét về nội dung và hình thức, văn bản ủy quyền có hiệu lực pháp luật và đã xác định, ai làm sai gì người đó phải chịu trách nhiệm", luật sư nhận định và nói tất cả bị cáo là cựu nhân viên AIC khai tại tòa đều khẳng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của bà Nga.
Luật sư Nghị sau đó trích dẫn 4 bút lục và lời khai của các cựu nhân viên AIC, thể hiện người chỉ đạo họ cao nhất trong dự án này là bà Nga, chứ không phải Tổng giám đốc Nhàn.
"Bị cáo Nga cũng khai về việc ủy quyền: Với các chức vụ được bổ nhiệm tại AIC, tôi có quyền hạn phân công nhiệm vụ cho nhân viên các đơn vị mình phụ trách; trực tiếp tuyển dụng nhân viên quản lý điều hành các nhóm", luật sư nói và cho rằng thân chủ có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, trước khi phạm tội có nhiều đóng góp cho xã hội và thành tích được trao tặng nhiều bằng khen. Vì thế, ông mong được xem xét là yếu tố giảm nhẹ cho bà Nhàn.
Bào chữa cho Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà, đang bỏ trốn, luật sư Nguyễn Thanh Tùng cũng trình bày khó khăn khi không thể xác định thân chủ muốn bào chữa theo hướng nào.
"Đây là vấn đề mới do trước nay chúng tôi chưa từng dự các phiên xét xử vắng mặt. Việc bị cáo có thực hiện hành vi phạm tội hay không những người ngồi đây không ai biết, chỉ có bị cáo biết từ đó định hướng cho luật sư bảo vệ theo hướng nhận tội hay không. Đấy là vấn đề mà khi bào chữa cho ông Hà, tôi không thể xác định được", luật sư Tùng trình bày.
Trong vụ án, ông Hà bị truy tố hai tội danh như bà Nhàn; bị đề nghị HĐXX tuyên phạt 13-14 năm tù về tội Đưa hối lộ và 12-13 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp mức án đề nghị 25-27 năm.
Trong hơn 80 phút trình bày quan điểm, luật sư Tùng cho rằng chứng cứ buộc tội Đưa hối lộ là "chưa thuyết phục". Toàn bộ hồ sơ vụ án không có chứng cứ vật chất nào thể hiện việc đưa tiền để các lãnh đạo tỉnh và bệnh viện Đồng Nai chỉ đạo ưu ái trúng thầu, mà chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo. Trong khi các bị cáo khai về việc nhận tiền này đều không có người làm chứng.
"Vậy những lời khai này có khách quan để coi là chứng cứ, khi mà luôn luôn mâu thuẫn?", luật sư nêu quan điểm.
Trích dẫn một số bút lục về lời khai của hai người nhận hối lộ, gồm cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái và cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, luật sư cho rằng Thái và Vũ khi nói "không được nhận lợi ích từ Hà hay ai ở AIC", khi thì nói chỉ nhận 150 triệu đồng "mừng tuổi Tết". Song tại tòa, hai người này lại thừa nhận cầm tổng cộng hơn 29 tỷ đồng từ ông Hà, bà Nhàn và AIC.
"Các lời khai mâu thuẫn phải cho đối chất. Rất tiếc thân chủ tôi không có mặt để làm việc này. Vậy tại sao chỉ sử dụng một lời khai bất lợi để làm bằng chứng buộc tội?", luật sư nói và cho rằng cơ quan công tố đáng lẽ phải áp dụng Nguyên tắc có lợi cho bị cáo và Nguyên tắc xác định chứng cứ theo Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư trích dẫn khoản 2 điều 98 của Bộ luật này, có nội dung "không được sử dụng lời khai của bị can bị cáo làm bằng chứng duy nhất". Lời khai của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ khi nó phù hợp với những chứng cứ khác, "tức là 2 chứng cứ trở lên", theo luật sư.
Luật sư Tùng cho rằng hai chứng cứ được cơ quan điều tra sử dụng buộc tội bị cáo Hà là "không phù hợp".
Với chứng cứ thứ nhất gồm nhật ký các cuộc gọi đi gọi đến của Hà với Vũ, luật sư cho rằng do không có ghi âm nên không xác định được mục đích cuộc gọi là gì
Căn cứ thứ 2 là sổ phụ ngân hàng các tài khoản của nhân viên ban tài chính AIC. Theo cơ quan điều tra, các sổ này thể hiện AIC chuyển cho công ty sân sau của bà Nhàn để bà này và ông Hà dùng 43,8 tỷ đồng hối lộ cho một số quan chức Đồng Nai.
Trước chứng cứ này, luật sư nhận định, các sổ sách đó không thể hiện nội dung chi, các nhân viên ban tài chính cũng không biết bà Nhàn và ông Hà sử dụng làm gì, chỉ biết chi lương, việc công ty. Do đó, sổ phụ này cũng không thể là chứng cứ phù hợp để xác định việc đưa hối lộ.
"Các chứng cứ khách quan và chủ quan đều chưa có, trong khi bị cáo không có mặt tại tòa và lời khai của những người khác mâu thuẫn", luật sư Tùng nêu quan điểm bào chữa và kiến nghị HĐXX tạm đình chỉ phiên tòa hoặc tách hồ sơ vụ án đề tạm đình chỉ truy tố với các bị cáo vắng mặt, trong đó có thân chủ của mình.
Mức án VKS đề nghị với 36 bị cáo
Vụ án có 11 trong 36 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh, cán bộ sở ban ngành tại Đồng Nai. Các bị cáo bị buộc gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng qua hành vi thông thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Các sai phạm bị VKS đánh giá là "minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm", thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền.
Phiên xét sẽ tiếp tục vào sáng thứ hai, 26/12 và dự kiến kéo khoảng 15 ngày nữa.
Thanh Lam - Phạm Dự
Xem thêm: lmth.9422554-oan-eht-auhc-oab-us-taul-nort-ob-cia-nahn-ab/ten.sserpxenv