Nội dung này được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống Covid-19 tại TP HCM, giai đoạn 2020-2021.
Theo cơ quan thanh tra, trong thời gian Covid-19 bùng phát, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách để mua sắm vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Tuy nhiên một số chủ đầu tư, là các bệnh viện ở TP HCM, đã xác định số lượng mua sắm "vượt nhu cầu sử dụng" so với tình hình. Nhiều đơn vị không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, không thương thoả hợp đồng, làm hạn chế thông tin về giá trúng thầu để các cơ quan tham khảo khi xây dựng giá.
Đa số các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn chưa làm đúng quy trình, dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm, không đáp ứng được tính cấp bách trong chống dịch. Một số bệnh viện mua sắm thuốc chữa bệnh đã lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực khiến sau khi trúng thầu không được giao hàng hoá hoặc cung cấp không kịp thời, kết luận Thanh tra nêu.
Về xác định giá gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh, nhiều bệnh viện xây dựng giá một số loại thuốc vượt giá trúng thầu cao nhất được công bố của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.
Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm việc này thuộc về Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) và Giám đốc các bệnh viện thực hiện mua sắm như Bệnh viện Thủ Đức, Nhi Đồng thành phố, Trưng Vương, Lê Văn Thịnh...
Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan thanh tra còn chỉ ra nhiều nhà thầu không đáp ứng quy định. Cụ thể như, Công ty TNHH Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường trúng hai gói thầu cung cấp test nhanh cho Bệnh viện Phục hồi chức năng nhưng lại không đủ điều kiện mua bán thiết bị y tế theo quy định. Từ đó dẫn đến việc nhà thầu không đủ khả năng cung cấp hàng hoá theo hợp đồng.
Công ty Thiết bị Y tế Hoàng Ngân trúng gói thầu mua sắm thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ điều trị người bệnh tại bệnh viện dã chiến do Trung tâm y tế TP Thủ Đức làm chủ đầu tư. Nhưng doanh nghiệp lại không được uỷ quyền để phân phối sản phẩm.
Thanh tra còn chỉ ra nhiều gói thầu "có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu thầu". Điển hình như hai gói thầu mua khẩu trang y tế do HCDC làm chủ đầu tư bị cho rằng có dấu hiệu vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ nghi vấn ra dấu hiệu thông thầu giữa Công ty BBC và BNC tại ba gói thầu mua sắm trang phục, vật tư y tế chống dịch do Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng TP HCM làm chủ đầu tư.
Một số gói thầu có dấu hiệu nâng giá bán cao bất thường. Nhiều gói thầu mua bán kit xét nghiệm và thuốc chữa Covid-19 có sự mua bán qua nhiều khâu trung gian. Từ đó gây ra sự chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu với giá vốn nhập khẩu hoặc giá bán của nhà sản xuất trong nước. Có gói thầu giá chênh lệch lên đến gần 19 tỷ đồng, gói thấp nhất chênh lệch 4,2 tỷ đồng.
Sau khi chỉ ra các sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho Bộ Công an xử lý.
Xem thêm: lmth.2822554-mch-pt-o-91-divoc-auhc-couht-aum-uaht-iog-cac-iat-ig-mahp-ias/ten.sserpxenv