Ông Thái, một nhà đầu tư theo thị trường chứng khoán hơn ba năm, cuối tháng 11 giải ngân gần 200 triệu đồng vào cổ phiếu Thép Nam Kim (NKG) ở vùng giá 9.000 đồng. Chưa đầy nửa tháng, ông chốt lãi gần 25% và dự định khi nào giá điều chỉnh mạnh sẽ mua lại.
Diễn biến giá NKG giằng co quyết liệt trong hai tuần tiếp theo khiến sự kiên nhẫn của ông Thái mất dần. Cách đây hai tuần, ông gom gốc lãi lần trước cộng hơn 300 triệu tiền mặt để mua đuổi cổ phiếu trong phiên vọt trần lên giá 14.000 đồng, "do đồ thị kỹ thuật phát tín hiệu điểm mua phù hợp.
Thế nhưng, diễn biến sau đó không như kỳ vọng khi cổ phiếu vừa về tài khoản thì giá lao dốc ba phiên liên tục, trong đó phiên gần nhất mất hết biên độ và không có bên mua.
"Tôi vay ký quỹ và dự định lướt sóng vài phiên để gỡ chút ít khoản lỗ hồi giữa năm, nhưng tình hình này thì xem như mất Tết", ông Thái nói và cho biết đợt vào lệnh mới đây đang lỗ hơn 150 triệu đồng.
Bà Thúy (38 tuổi, ở TP HCM) cũng lỗ hơn 100 triệu đồng khi lướt sóng cổ phiếu Tân Tạo. Bà mua giá bình quân 4.900 đồng trong phiên 20/12 với kỳ vọng ITA sau một nhịp chững lại sẽ tiếp tục tăng dựng đứng, nhân đôi tài khoản như diễn biến từ cuối tháng trước đến giữa tháng này. ITA ngay sau đó điều chỉnh liên tiếp bốn phiên và hiện lùi về 4.100 đồng – giảm hơn 16% so với lúc bà Thúy giải ngân.
Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Vũ Kim Tinh, Giám đốc chi nhánh Tân Bình, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho biết nhiều nhà đầu tư cá nhân – đối tượng dễ bị kích thích bởi những thương vụ có tỷ suất sinh lời cao và nhanh – cũng đang chật vật giải quyết khoản lỗ do đu đỉnh cổ phiếu trong tháng cuối năm. Trong số này, không ít nhà đầu tư là "cá mập" với giá trị tài sản ròng trên 10 tỷ đồng.
Theo ông Tinh, phần đông nhà đầu tư cá nhân năm nay đã thua lỗ khi thị trường điều chỉnh mạnh trong những tháng giữa năm và đều khao khát gỡ gạc trong đợt hồi phục mới đây. Tuy nhiên, ông cho rằng những người ưa mạo hiểm để có mức sinh lời vượt trội lúc thị trường lên nhanh thì cũng khó bảo vệ thành quả trước biến động theo chiều ngược lại.
"Tâm lý gỡ gạc bằng các khoản đầu tư lướt sóng là hệ quả của "thời kỳ tiền rẻ" trong năm 2021. Nhà đầu tư dường như đang ngộ nhận và đơn giản hoá những rủi ro hiện hữu trên thị trường chứng khoán với niềm tin sẽ luôn có phiếu tăng bằng lần, thậm chí chục lần, trong chớp mắt" ông Tinh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Anh - Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcomank - cho rằng việc thị trường đã tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn có thể đẩy nhà đầu tư vào tình trạng tiếc nuối bởi chưa kịp mua hoặc cắt lỗ hoặc chốt lời quá sớm, từ đó xảy ra tình trạng mua đuổi.
Tuy nhiên, việc thiếu thông tin tích cực hỗ trợ, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn thường đảo chiều đột ngột trong phiên ATC và dòng tiền của khối ngoại - động lực tăng trưởng cho VN-Index trong một tháng qua - suy yếu dần sau khi tích luỹ lượng lớn cổ phiếu ở vùng giá tốt là dấu hiệu cho thấy xu hướng hồi phục của VN-Index chưa thực sự bền vững. Do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần chế ngự cơn khát kiếm tiền nhanh và cẩn trọng cao độ, "rình rập" để chờ thời điểm giải ngân thích hợp.
"Sự chờ đợi có thể mất vài tháng, nửa năm thậm chí một năm nhưng khi nó đến thì thành quả rất ngọt ngào", ông Tinh nói.
Theo ông Duy Anh, nhà đầu tư cá nhân nên bỏ qua những biến động ngắn hạn của thị trường, tránh xa các thương vụ có dấu hiệu thao túng giá mà tập trung vào dài hạn, tìm kiếm doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng bền vững nhờ chiến lược phát triển và quản trị bài bản.
Đồng quan điểm, nhiều nhóm phân tích chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn chỉ mua bán T+ trên lượng hàng có sẵn và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính để quản trị rủi ro danh mục do càng gần dịp lễ Tết, thanh khoản thị trường càng bớt sôi động để có cơ hội gia tăng lợi nhuận. Đặc biệt, trong tuần giao dịch cuối năm, dòng tiền nhiều khả năng tiếp tục co lại bởi khối ngoại đang trong đợt nghỉ Giáng sinh và năm mới, còn nhà đầu tư trong nước hạ tỷ trọng vay ký quỹ để tránh rủi ro nếu thông tin tiêu cực xuất hiện trong kỳ nghỉ lễ.
Trong khi đó, nhà đầu tư xác định gắn bó với doanh nghiệp trong trung và dài hạn, nhất là những nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng thiết yếu... có thể mua dần trong những nhịp điều chỉnh.
Phương Đông