Đây là thông tin được ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 26.12.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu tại hội nghị Tống Giáp |
Theo ông Phan Văn Anh, trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động (NLĐ).
Theo tổng hợp đến 10.12, có 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên 482.120 NLĐ phải giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, tạm chấm dứt hợp đồng… Trong đó, số NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động là 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nên chăng Bộ LĐ-TB-XH và các bộ, ngành có thể nghiên cứu tiếp tục đề xuất, tham mưu với Chính phủ có một chính sách hay nghị quyết giống với Nghị quyết 68 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và NLĐ bị ảnh hưởng do việc cắt, giảm đơn hàng có công ăn việc làm”, ông Phan Văn Anh kiến nghị.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Phan Văn Anh cho biết: “Tổ chức công đoàn đã có kế hoạch chăm lo tết, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do cắt, giảm đơn hàng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp các hỗ trợ cho NLĐ. Đối tượng bị chấm dứt hợp đồng có thể sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng, đối tượng tạm chấm dứt hợp đồng có thể sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng và đối tượng bị cắt, giảm việc làm mức hỗ trợ là 1 triệu đồng…”.
Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP Tống Giáp |
Để làm nền tảng cho việc triển khai các chính sách mới trong giai đoạn tới, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Chính sách (BHXH Việt Nam), đề nghị: “Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng chính sách, là cơ sở để xác định, dự kiến đối tượng hỗ trợ. Đây là yếu tố quyết định đến việc triển khai thực hiện chính sách được chính xác, nhanh chóng và kịp thời”.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, đại diện BHXH Việt Nam cũng kiến nghị, Bộ LĐ-TB-XH xem xét, đề xuất với Chính phủ về việc tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho hay, đến nay về cơ bản Nghị quyết 68 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả triển khai sẽ làm căn cứ xây dựng chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.
“Vừa rồi, Bộ LĐ-TB-XH có đi khảo một số địa phương và nhận thấy, doanh nghiệp bị giảm đơn hàng; NLĐ bị giãn, hoãn việc; một số lao động bị mất việc. Chúng tôi đang nghiên cứu thiết kế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng cho phù hợp với tình hình mới. Hội nghị tổng kết này sẽ tìm bài học kinh nghiệm để xác định đối tượng, giảm thủ tục hành chính, để người dân dễ tiếp cận và tiếp cận nhanh mà vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật”, ông Thanh chia sẻ.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, cả nước đã hỗ trợ 36,4 triệu NLĐ và người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là trên 45.600 tỉ đồng.