Chứng khoán châu Á có thể tích cực trở lại sau hai năm ảm đạm, theo khảo sát mới đây của Bloomberg, với mức tăng trung bình khoảng 9%. Trong đó, kinh tế Trung Quốc mở cửa là một trong những yếu tố được giới chuyên gia chờ đợi.
Quốc gia đứng thứ hai thế giới về quy mô GDP vừa thay đổi các quy định về cách ly ca nhiễm nCoV, nới hạn chế về xét nghiệm và đi lại, dấu hiệu cho thấy nước này có thể nới lỏng chính sách "Zero Covid" vốn đã áp dụng nghiêm ngặt thời gian qua. Theo dự báo của Goldman Sachs, dự kiến Trung Quốc sẽ mở cửa từ đầu quý II/2023, sau mùa cao điểm đi lại vào Tết Nguyên Đán.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách do đại dịch dự kiến thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn, cùng với các đối tác thương mại trong khu vực, với mức tăng trưởng dự báo gần 5% vào năm 2023. Riêng với Việt Nam, động thái cũng được kỳ vọng sẽ giúp nhiều lĩnh vực khả quan, theo báo cáo của các công ty chứng khoán.
Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 của Công ty chứng khoán VNDirect đưa lộ trình mở cửa và phục hồi kinh tế của Trung Quốc là một biến số của năm tới, nhưng theo hướng tích cực.
"Chúng tôi tin rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là một cú hích lớn cho ngành du lịch Việt Nam", nhóm phân tích VNDirect nhận xét.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng không dự báo được hưởng lợi từ sự phục hồi của lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Với đánh giá đó, VNDirect cho rằng xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc có thể tích cực từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.
Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra đánh giá về 8 nhóm ngành, trong đó có bốn lĩnh vực được dự báo tích cực trong năm tới gồm bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không, thủy sản và chăn nuôi.
Với bất động sản khu công nghiệp, lợi thế vị trí địa lý thuận lợi để giao thương với Trung Quốc, chính sách chính trị ổn định cũng như chuỗi giá trị đã được thiết lập trong hơn hai năm qua, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng với các doanh nghiệp FDI khi nhắm đến thị trường Trung Quốc.
"Các doanh nghiệp được kỳ vọng mở rộng sản xuất, nâng cao công suất để tận dụng sức mua tăng lên khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế", chuyên viên Lâm Việt đánh giá trong báo cáo chuyên đề của BSC.
Ngành hàng không được kỳ vọng nối lại các đường bay quan trọng với Trung Quốc, cùng với đó là sự trở lại của khách du lịch từ quốc gia này. BSC kỳ vọng các đường bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ từ quý I-II/2023.
Tuy nhiên, trong hai nhóm doanh nghiệp chính của ngành hàng không là dịch vụ hàng không liên quan tới hành khách và dịch vụ vận tải, nhóm phân tích cho rằng chỉ có nhóm đầu tiên được hưởng lợi. Với các doanh nghiệp vận tải, như Vietnam Airlines hay Vietjet, nhu cầu đang phục hồi nhưng giá dầu duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2022 và năm sau có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Xét về ngành thủy sản và chăn nuôi, yếu tố quan trọng nhất là sự mở cửa của Trung Quốc có thể kéo theo nhu cầu gia tăng. "Việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén, giúp cả ngành cá tra tăng trưởng", chuyên viên phân tích Nguyễn Cẩm Tú của BSC nhận xét.
Với chăn nuôi, BSC cho rằng giá heo hơi năm 2023 biến động ở mức cao quanh mức 60.000-70.000 đồng mỗi kg nhờ hỗ trợ tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa có thể giải phòng được nguồn cung tiểu ngạch. Trong khi đó, nguồn cung dự kiến trong năm tới có thể bị thắt chặt hơn do áp lực từ chi phí đầu vào, dịch bệnh và độ trễ hoạt động tái đàn của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Minh Sơn