Trong bối cảnh khách Trung Quốc chưa trở lại, các thị trường nguồn khách trọng điểm khác như Nga, Đông Bắc Á, Nhật Bản… chưa khôi phục mạnh, cần đẩy mạnh khai thác những thị trường tiềm năng, mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông. Muốn vậy, phải có sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn để kéo khách.
Khai thác thị trường mới
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), phân tích trong tình hình các thị trường khách trọng điểm như Trung Quốc, Nga, Đông Bắc Á chưa có dấu hiệu hồi phục, ngành du lịch cần tích cực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khơi thông từng bước các thị trường này. Song song đó, thúc đẩy khai thác các thị trường truyền thống khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Đông Nam Á và một số thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, đặc biệt chú trọng yếu tố chất lượng khách, với các giải pháp chuyên biệt hóa theo từng thị trường hay khu vực. "Ngành du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm mới theo xu hướng mới của thị trường, đặc biệt là sản phẩm đáp ứng tiêu chí du lịch bền vững, gia tăng tính trải nghiệm - khám phá, chăm sóc sức khỏe, thể thao… mang đến cho du khách những khám phá mới, tăng tính tương tác, trải nghiệm văn hóa bản địa" - ông Võ Anh Tài góp ý.
Thời gian qua, TP HCM đã nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới để phục vụ du khách trong và ngoài nước Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Mekong Rustic, cũng cho rằng toàn ngành cần tập trung phát triển đa dạng hóa sản phẩm, làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch. Tại các điểm du lịch lớn như Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long… hiện nay chỉ tập trung xây khách sạn mà chưa có nhiều sản phẩm du lịch. "Nếu đi Nha Trang 1 tuần, chỉ tắm biển, đi tour ra đảo, vào khu vui chơi giải trí… ngoài ra chúng ta có gì? Nhiều khách quốc tế hỏi đến Việt Nam thì làm gì, chơi gì, ăn gì? Sản phẩm của chúng ta là gì? Hay chỉ xoay quanh việc tắm biển, đi du thuyền 2 ngày - 1 đêm? Sau COVID-19 chúng ta có thêm sản phẩm mới nào; nhu cầu của khách du lịch đã thay đổi, vậy sản phẩm du lịch hiện tại có đáp ứng được nhu cầu của khách không?" - ông Nguyễn Ngọc Bích băn khoăn.
Tại hội nghị "Hợp tác du lịch Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh (GCC)" mới đây, các chuyên gia nhận định tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh còn nhiều. Tuy nhiên, lượng khách du lịch từ khu vực này đến Việt Nam còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, chỉ ở mức khoảng 6.000 người/năm. Tại hội nghị, nhiều sáng kiến đã được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước vùng Vịnh, trong đó có việc tăng cường tần suất và hiệu quả các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại khu vực, xây dựng các gói dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn Hồi giáo Halal; gia tăng các đường bay trực tiếp giữa giữa hai bên, đa dạng hóa hình thức vận chuyển khách như đường hàng không, đường thủy, chuẩn bị nguồn nhân lực thông thạo về ngôn ngữ, văn hóa Hồi giáo, đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực…
Tìm sản phẩm đặc trưng
Để thêm sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách thị trường mới, tiềm năng, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng nỗ lực đầu tư dịch vụ mới. Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vừa đưa vào phòng chờ Jasmine tại ga đi quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, chính thức mở cửa phòng chờ thương gia đầu tiên của Việt Nam đủ tiêu chuẩn Halal phục vụ hành khách thương gia đạo Hồi.
SASCO đã trải qua quá trình đánh giá và được Công ty Tư vấn & Huấn luyện Halal Malaysia (MHCT) trao chứng nhận Halal theo tiêu chuẩn của tổ chức liên minh Halal quốc tế. Để bảo đảm nguồn nhân sự chất lượng đạt chuẩn tham gia trong toàn bộ khâu vận hành và chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất, thu mua nguyên liệu, vận chuyển đến tổ chức và phục vụ, SASCO cũng đã hợp tác với MHCT để đào tạo nhận thức về Halal cho đội ngũ nhân viên. Đáng chú ý, Jasmine có hai phòng cầu nguyện riêng biệt dành cho nam và nữ, bảo đảm không gian tôn nghiêm cho việc hành lễ và cầu nguyện của hành khách.
Ông Nguyễn Văn Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc SASCO, cho biết ngoài việc bảo đảm đủ điều kiện Halal phục vụ hành khách Hồi giáo từ các chặng bay mới, Jasmine thể hiện sự trân trọng, quan tâm các giá trị văn hóa; tôn giáo; tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách, góp phần hoàn thiện, nâng tầm dịch vụ của sân bay Tân Sơn Nhất.
Không chỉ DN mà nhiều địa phương thời gian qua cũng đã phối hợp cùng DN du lịch đầu tư, khảo sát, nghiên cứu, xây dựng và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới. Trong đó, TP HCM có thể nói là điểm đến đi đầu và có nhiều nỗ lực trong đầu tư thêm sản phẩm du lịch mới thu hút khách quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết ngành đang tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực như du lịch đường sông, du lịch gắn với kinh tế đêm, tổ chức các sự kiện - lễ hội mang tầm vóc quốc tế, quy mô lớn hướng sự kiện trở thành những sản phẩm thu hút khách quốc tế, thúc đẩy họ tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú. Như trong tháng 12 vừa qua, mô hình "lễ hội trong lễ hội" với chuỗi hoạt động của Tuần lễ Du lịch TP HCM, Ngày hội Khinh khí cầu kết hợp Lễ hội Âm nhạc HOZO, Giải Marathon quốc tế TP HCM đã được tổ chức thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tăng sức hấp dẫn của du lịch biển đảo
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch biển đảo là 1 trong 4 sản phẩm du lịch chủ đạo. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết nhiều năm qua, các hoạt động du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của toàn ngành.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, mặc dù xu hướng và thị hiếu của du khách thay đổi, song du lịch biển đảo vẫn là thế mạnh chủ đạo của Việt Nam. Sự phát triển của dòng sản phẩm này đã thúc đẩy phát triển nhiều dòng sản phẩm khác, như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện)… Ngoài ra, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển được hình thành, như chèo thuyền kayak, ca nô, lướt ván, lặn biển. Các sản phẩm lưu trú, nhà hàng cũng được đầu tư phát triển.
Tuy vậy, việc phát huy giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển đảo mới chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng để hoạt động du lịch biển đảo hiệu quả, trở thành sản phẩm mũi nhọn, tăng nguồn thu, các địa phương không nên phát triển ồ ạt, mà cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ cho các dự án hạ tầng, bảo đảm không lãng phí tài nguyên. Ngoài ra, địa phương cũng cần chú trọng phát triển các sản phẩm bổ trợ, đa dạng cả về loại hình và chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường với những phân khúc khách hàng khác nhau.
Giám đốc Công ty Du lịch Ánh Dương Tours Nguyễn Tuấn Anh góp ý các địa phương nên có kế hoạch kết nối với các tuyến du lịch quốc tế bằng đường biển. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học... để tăng sức hấp dẫn cho du lịch biển đảo.
Nhìn qua Thái Lan...
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, cho hay nếu lấy Thái Lan, quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, có thể thấy thị trường này đã triển khai nhiều chính sách táo bạo, quyết liệt để đẩy sớm quá trình phục hồi du lịch. Theo đó, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã lên kế hoạch trình nội các phê duyệt trong tháng 11 một khoản ngân sách trị giá 8,7 tỉ baht (khoảng 240 triệu USD) để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu thu hút từ 18-20 triệu lượt du khách tới Thái Lan trong năm 2023. Ngoài chính sách visa thông thoáng, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đang lên kế hoạch xin sự chấp thuận của nội các để miễn thị thực cho tất cả du khách châu Âu.
Tập trung quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực
Chiều 26-12, Sở Du lịch TP HCM đã công bố chương trình bình chọn "TP HCM - 100 điều thú vị" nhằm góp phần đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch dịp cuối năm và năm 2023.
Dip này, ban tổ chức cũng công bố website chương trình "TP HCM - 100 điều thú vị" để các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch từ khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm, điểm vui chơi giải trí..., người dân trong và ngoài nước, khách du lịch có thể tự ứng cử tham gia chương trình.
Trước đó, Sở Du lịch TP HCM cũng phối hợp với Thành Đoàn TP HCM và Hiệp hội Du lịch TP HCM tổ chức hội thi "Hướng dẫn viên du lịch giỏi TP HCM mở rộng 2022". Hoạt động nhằm góp phần tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn; đặc biệt đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, trong đó có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
T.Phương
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-12