Phòng khám tư nhiều gấp 47 lần BV công
Từ năm 2014, Bộ Y tế cho phép các bệnh viện (BV), phòng khám tư nhân (PKTN) tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng tại Quảng Bình mãi đến năm 2020 mới được triển khai. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, việc phân bổ nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu do Sở Y tế và BHXH tỉnh thực hiện đã gây ra những câu chuyện tréo ngoe.
Dù được đầu tư lớn nhưng BV Y dược cổ truyền tỉnh Quảng Bình chỉ được phân bổ 158 người đến khám chữa bệnh BHYT lần đầu NGUYỄN PHÚC |
Đáng chú nhất là trường hợp của BV Y dược cổ truyền. Năm 2022, theo phân bổ chỉ có 158 người được đến cơ sở y tế này khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Trong khi đó, BV này thành lập năm 2003, được đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây trụ sở, mua sắm máy móc, đào tạo…, hiện BV có 160 giường bệnh, 8 khoa, 5 phòng chức năng với 34 bác sĩ, 7 y sĩ, 27 điều dưỡng…
Trả lời Thanh Niên chiều 23.12, ông Trần Xuân Phú, Giám đốc BV Y dược cổ truyền tỉnh Quảng Bình, nói: “Năm 2013, khi được khám, chữa bệnh BHYT, con người cũng như cơ sở vật chất của đơn vị không được như bây giờ, nhưng chúng tôi được phân khám chữa bệnh cho hơn 7.000 thẻ BHYT. Đến năm 2017, chúng tôi còn 6.000 thẻ BHYT, năm 2021 chúng tôi còn 3.278 thẻ BHYT. Năm 2022 mới “thảm họa”, chúng tôi chỉ được phân bổ vỏn vẹn 158 BHYT khám bệnh lần đầu”.
“Thảm họa” này, theo ông Phú, chính bệnh nhân mới là những người chịu thiệt đầu tiên. “Hàng ngàn bệnh nhân đã đăng ký khám, chữa bệnh BHYT lần đầu chỗ chúng tôi vào năm 2021 đã rất bức xúc, khi họ đến thăm khám vào năm 2022 mới biết bị chuyển đi nơi khác. Việc không được đăng ký khám chữa bệnh lần đầu ở đây buộc họ có 2 lựa chọn: hoặc phải nhập viện điều trị nội trú, hoặc phải móc tiền túi trả tiền để được khám chữa bệnh ngoại trú. Mà bệnh nhân của BV Y học cổ truyền chủ yếu là người già, họ chỉ muốn khám chữa bệnh ngoại trú, đi về trong ngày”, ông Phú lý giải.
Vì không có bệnh nhân nên phòng khám của BV chỉ khám được tối đa 20 người/ngày; số thuốc đã được nhập về trước đó vì không biết cấp cho ai đành phải tiêu hủy, đầu tư máy móc hiện đại nhưng ít dùng. “Chúng tôi là đơn vị tự chủ. 158 con người vừa chật vật chống dịch Covid-19 xong nay lại lâm cảnh này. Nhiều anh em đã tính đến chuyện nghỉ việc”, ông Phú thở dài.
Ngược lại, nhiều PKTN ở TP.Đồng Hới được phân bổ số lượng “khủng” thẻ BHYT. Theo số liệu của Thanh Niên có được, số lượng lớn nhất được phân bổ cho Phòng khám đa khoa Bắc Lý trực thuộc Công ty TNHH Ngọc Linh Quảng Bình (năm 2021 phân bổ 6.734 thẻ; năm 2022 phân bổ 7.451 thẻ). Tiếp đến là các phòng khám: Tân Phước An (năm 2021 có 3.594 thẻ, năm 2022 có 6.631 thẻ), Trí Tâm (năm 2021 có 4.968 thẻ, năm 2022 có 5.498 thẻ), Hữu Nghị (năm 2021 có 3.018 thẻ, năm 2022 có 3.970 thẻ), Phương Bình (năm 2022 có 1.588 thẻ).
Những bệnh nhân đang khám, điều trị tại BV Y dược cổ truyền tỉnh Quảng Bình đều từ tuyến dưới chuyển lên |
Sở Y tế và BHXH “đá” nhau
Liên quan việc phân bổ số thẻ khám chữa bệnh BHYT ban đầu về các cơ sở khám chữa bệnh, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình, cho biết đơn vị thực hiện theo Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định về đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Theo ông Tùng, BHXH tỉnh Quảng Bình luôn có những cuộc họp, trao đổi văn bản và thống nhất với Sở Y tế chứ không “tự tung, tự tác”.
Về thực tế BV Y học cổ truyền tỉnh Quảng Bình chỉ được phân bổ 158 thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu, ông Tùng cho rằng đây là BV tuyến tỉnh, chiếu theo Thông tư 40/2015 chỉ được khám, chữa bệnh ban đầu cho 1 nhóm đối tượng nhất định (thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ T.Ư và địa phương, người trên 80 tuổi, người có công với cách mạng, người công tác trong quân đội đã nghỉ hưu…). “Trong khi đó, ở BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cũng được khám, chữa bệnh ban đầu cho nhóm này, vì thế người tham gia bảo hiểm chọn BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba”, ông Tùng nói.
Trước nghi vấn vì có người nhà trong Phòng khám đa khoa Bắc Lý (trực thuộc Công ty TNHH Ngọc Linh Quảng Bình) nên được ưu ái để PKTN này có số lượng phân bổ thẻ BHYT khám chữa bệnh lần đầu “khủng” nhất, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình, đã bác bỏ. Tuy nhiên, ông Tùng thừa nhận con gái ông là dược sĩ tại nhà thuốc Ngọc Linh, thuộc Công ty TNHH Ngọc Linh Quảng Bình.
Khi được hỏi vì sao phân bổ thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu số lượng lớn cho các PKTN? Ông Tùng lý giải vì các phòng khám này hoạt động tốt, bệnh nhân tự lựa chọn điểm khám, chữa bệnh ban đầu chứ không ai cấm được. “Ở đấy không có chuyện lợi ích nhóm, nâng bên này hạ bên kia, mà chúng tôi làm theo quy định”, ông Tùng nói thêm.
Tuy nhiên, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Bình về việc này lại khá bất ngờ. Ông Vũ Việt Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, cho biết đúng là các năm BHXH tỉnh có trao đổi qua lại với ngành y tế nhưng lại… không phân bổ theo đề xuất của Sở Y tế.
Theo ông Hưng, hằng năm Sở Y tế đều có khảo sát chuyên môn để đề xuất về số lượng thẻ BHYT khám chữa bệnh lần đầu đối với những cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể, với BV Y dược cổ truyền tỉnh, năm 2022 Sở Y tế đề xuất 6.000 thẻ, thực tế chỉ được phân bổ 158 thẻ. Với các PKTN, Sở Y tế đưa ra con số thấp hơn nhiều so với thực tế mà BHXH tỉnh Quảng Bình phân bổ.
“Điều này gây rất nhiều hệ lụy. BV công được phân bổ thẻ BHYT ít thì lãng phí nguồn lực con người, máy móc; trong khi với PKTN rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Ngoài ra, PKTN không trực cấp cứu, không trực ngày nghỉ và dồn gánh nặng lên BV công trong cấp cứu”, ông Hưng khẳng định.
Về việc ngành y tế và BHXH “vênh nhau” về con số phân bổ thẻ BHYT khám chữa bệnh lần đầu, ông Hưng cho biết Sở Y tế sẽ tiếp tục có kiến nghị với Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình để giải quyết. Còn ông Tùng tái khẳng định BHXH Quảng Bình đến nay vẫn không đồng tình với đề xuất của Sở Y tế về việc tăng thẻ BHYT khám chữa bệnh lần đầu tại BV Y dược cổ truyền tỉnh, trong khi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có ý kiến rằng cần ưu tiên khối y tế công, nhất là BV Y dược cổ truyền tỉnh.