Dự án tặng cụm thùng rác bảy màu để phân loại rác cho người dân phường 13, quận Gò Vấp - Ảnh: CHÂU TUẤN
Hoạt động trên thuộc dự án "Nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cộng đồng trong phân loại, lưu giữ, chuyển giao và thu gom chất thải rắn sinh hoạt" của khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Tạo thói quen mới
Từ tháng 8-2022, hành vi không phân loại rác có thể bị phạt tiền đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, khi thời điểm cuối năm cận kề, lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng cao thì việc phân loại rác tại nguồn cần được chú trọng nhiều hơn.
Cùng với sổ tay "Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt" và phổ biến các quy định của pháp luật về chất thải rắn sinh hoạt, khoa luật (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) còn trao tặng cho các phường 12, 13 và 17 (quận Gò Vấp) các cụm thùng rác cầu vồng. Mỗi cụm gồm bảy thùng rác với bảy màu sắc khác nhau và ghi rõ các loại rác thải như: rác nhựa, rác giấy, rác nguy hại... Để giúp người dân hiểu hơn
về từng loại, ban tổ chức dự án còn chú thích kỹ dưới mỗi loại như rác thải sinh hoạt gồm bình ắc quy, hóa chất, bóng đèn huỳnh quang...
Trải qua nhiều tháng phát động, dự án đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực khi người dân bắt đầu hình thành thói quen biết phân loại rác tại nguồn. Người dân phần nào hiểu rõ hơn về lợi ích của việc phân loại rác sẽ giúp ích cho việc tái chế và xử lý chất thải sinh hoạt. Phần đông người dân ủng hộ, mong muốn dự án có thể được nhân rộng.
"Mưa dầm thấm lâu"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Anh - trưởng ban quản lý dự án - chia sẻ kết quả của dự án trên sẽ là tiền đề để tiếp tục nghiên cứu về các dự án bảo vệ môi trường trong tương lai. Trong văn bản trình UBND TP.HCM hồi tháng 10, ban quản lý dự án trên đã chỉ ra sự cấp thiết của việc ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019, TP.HCM có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lớn nhất cả nước với trung bình tổng khối lượng chất thải rắn khoảng 8.900 tấn/ngày. Trong khi đó, quy trình 3R (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế) không đạt hiệu quả do hoạt động phân loại rác tại nguồn và quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa thực sự hiệu quả.
Hiện tại, nhiều người dân vẫn còn suy nghĩ phân loại rác mất thời gian và các loại rác cũng sẽ bị trộn lẫn lại với nhau khi tiến hành thu gom. Do đó, ban quản lý dự án kiến nghị các cơ sở thu gom, vận chuyển rác phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp với từng loại chất thải đã được phân loại.
Cần có quy định tần suất thu gom với từng loại chất thải, trong đó chất thải hữu cơ ít nhất một lần/ngày. Các đơn vị thu gom rác nên từ chối thu gom nếu chất thải không được đựng trong các bao bì chứa rác theo quy định. Từ đó, người dân sẽ dần thay đổi thói quen và dùng bao bì phân loại rác theo quy định.
Theo TS Nguyễn Thị Anh, dự án khi triển khai thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vẫn có tình trạng người đem rác đến quăng bừa bãi trước các cụm thùng rác. "Chúng tôi cũng xác định từ đầu thói quen phân loại rác thải của người dân cần mưa dầm thấm lâu" - bà Anh nói và mong muốn dự án sẽ có thêm sự đồng hành từ nhiều phía để tiếp tục triển khai và nhân rộng trên nhiều quận huyện tại TP.HCM và thậm chí là ở các tỉnh thành khác trong năm tới.
Địa phương ủng hộ
Đại diện UBND phường 13 (quận Gò Vấp) cho biết rất ủng hộ hoạt động phát sổ tay phân loại rác và các cụm thùng rác phân loại của dự án dành cho người dân trong phường và hy vọng dự án này được mở rộng hơn. "Ngoài việc hỗ trợ dự án triển khai thuận lợi, UBND phường cũng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở người dân phải phân loại rác theo quy định" - vị đại diện nói.
TTO - Ở thời điểm hiện tại, mọi doanh nghiệp có trụ sở tại TP Sao Paulo của Brazil đều phải đăng ký với hệ thống thu gom rác thải thông minh có tên Electronic Waste Transport Control (CTR-E) của thành phố.
Xem thêm: mth.13952628072212202-car-iaol-nahp-ed-uam-yab-car-gnuht-gnat-mchpt/nv.ertiout