Vào 2022, các nhà đầu tư gặp khó khăn khi thị trường tài chính đã ổn định bấy lâu bị đảo ngược. Sau đây là 5 xu hướng đã thay đổi rõ nét, theo The Economist.
Lãi suất gần 0
Trong tương lai, các nhà sử học tài chính khi nhìn lại những năm 2010 sẽ ngạc nhiên rằng mọi người từng nghĩ lãi suất sẽ ở mức gần bằng 0 mãi mãi. Thậm chí vào 2021, các nhà đầu tư còn xuất bản các bài báo với tiêu đề như: "The Zero: Why interest rates will stay low" (Số 0: Tại sao lãi suất sẽ ở mức thấp).
Thực tế, chi phí đi vay đã giảm trong nhiều thập kỷ. Sự kết hợp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và đại dịch dẫn đến niềm tin rằng điều đó là vĩnh viễn. Nhưng vào năm nay, lạm phát cao kéo dài đã tác động lớn đến kinh tế.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980, nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất chuẩn thêm hơn 4 điểm phần trăm, lên 4,25-4,5%. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng làm theo.
Các thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ ngừng tăng vào năm 2023, với mức cao nhất là 4,5-5% ở Anh và Mỹ, và 3-3,5% ở khu vực đồng euro. Nhưng khả năng chúng quay về con số gần 0 là rất nhỏ. Chẳng hạn, các thống đốc của Fed cho rằng lãi suất sẽ kết thúc năm 2023 trên 5%, trước khi giảm xuống khoảng 2,5% trong dài hạn. Thời đại lãi suất cực thấp đã qua.
Thị trường giá lên
Có một câu ví von rằng: Thị trường giá lên không chết vì già yếu, mà do các ngân hàng trung ương "hạ sát". Và đó là vào năm 2022.
Từ mức giảm sâu sau khủng hoảng tài chính năm 2009 đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 600%. Trong thời gian ấy, gián đoạn trong quá trình đi lên của thị trường chứng khoán vẫn có, ví dụ sụt giảm đột ngột lúc Covid-19 xuất hiện, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Đến 2022, đà đi xuống mới thực sự kéo dài. Giữa tháng 10, S&P 500 giảm khoảng 25%, xuống mức thấp nhất trong năm. Chỉ số này đã hồi phục đến nay, nhưng vẫn giảm khoảng 20%. Trong khi đó, chỉ số cổ phiếu toàn cầu MSCI cũng giảm 20%.
Cổ phiếu không phải là loại tài sản duy nhất mất giá. Giá cổ phiếu giảm một phần do lãi suất tăng và khiến các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn hơn khi so sánh. Cơ chế tương tự đã đẩy giá trái phiếu xuống để điều chỉnh lợi suất của chúng với lãi suất hiện hành.
Các chỉ số do Bloomberg tổng hợp về trái phiếu toàn cầu, Mỹ, châu Âu và thị trường mới nổi đã giảm lần lượt 16%, 12%, 18% và 15%. Cho dù giá có giảm sâu hơn nữa hay không thì thị trường giá lên mọi lúc đã kết thúc.
Vốn dồi dào khắp nơi
Vốn không chỉ rẻ trong những năm cuối của thị trường giá lên, mà dường như nó có ở khắp mọi nơi. Chương trình nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương, được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính, đã quá tải trong đại dịch.
Cùng với nhau, các ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh, khu vực đồng euro và Nhật Bản đã tạo mới và bơm ra hơn 11.000 tỷ USD. Chúng được sử dụng để tích trữ các tài sản được cho là an toàn, chẳng hạn trái phiếu chính phủ, và làm giảm lợi suất của chúng.
Điều này đã đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận vào các nơi đầu cơ hơn của thị trường. Đổi lại, những tài sản này bùng nổ. Trong thập kỷ tính đến năm 2007, các công ty Mỹ đã phát hành 100 tỷ USD trái phiếu "rác" mỗi năm. Trong những năm 2010, họ kiếm được trung bình 270 tỷ USD. Vào năm 2021, họ thu 486 tỷ USD.
Nhưng năm nay, chúng đã mất giá ba phần tư. Fed và Ngân hàng Trung ương Anh đã đảo ngược các chương trình mua trái phiếu của họ. Ngân hàng Trung ương châu Âu thì đang chuẩn bị làm điều tương tự. Thanh khoản vì thế đang cạn kiệt.
Năm 2021, các đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đã phá vỡ mọi kỷ lục, huy động được 655 tỷ USD trên toàn cầu. Giờ đây, các đợt IPO của Mỹ chuẩn bị bước vào năm khó khăn nhất kể từ năm 1990. Giá trị của các vụ sáp nhập và mua lại cũng giảm. Nguồn vốn từng dồi dào đã dần khan hiếm.
Cổ phiếu 'tăng trưởng' thắng thế
Thời kỳ thị trường giá lên liên tục là khoảng thời gian chán nản với các nhà đầu tư "giá trị", những người săn tìm các cổ phiếu rẻ so với thu nhập hoặc tài sản cơ bản của chúng. Lãi suất thấp và việc chấp nhận rủi ro do nới lỏng định lượng đã khiến cách tiếp cận thận trọng này không hợp thời.
Thay vào đó, các cổ phiếu "tăng trưởng", với mức giá cao so với thu nhập hiện tại (thường không tồn tại) của chúng, nhưng hứa hẹn lợi nhuận bùng nổ trong tương lai đã vượt lên dẫn trước. Từ tháng 3/2009 đến cuối năm 2021, chỉ số cổ phiếu tăng trưởng toàn cầu của MSCI tăng vọt với hệ số 6,4; gấp hơn hai lần mức tăng của chỉ số cổ phiếu giá trị.
Năm nay, lãi suất tăng đã lật ngược tình thế. Với lãi suất 1%, để có 100 USD sau 10 năm, bạn phải gửi 91 USD vào tài khoản ngân hàng ngay hôm nay. Với lãi suất 5%, bạn chỉ cần bỏ ra 61 USD. Sự kết thúc của lãi suất thấp đã thay đổi tầm nhìn của các nhà đầu tư, buộc họ phải ưu tiên lợi nhuận trước mắt hơn là lợi nhuận trong tương lai xa. Vì thế, cổ phiếu tăng trưởng hết thời lất lướt cổ phiếu giá trị.
Tiền số bùng nổ
Năm nay, những người cho rằng tiền kỹ thuật số chẳng có ích lợi gì ngoài cờ bạc và các hoạt động đáng ngờ đã có minh chứng bênh vực cho quan điểm của mình. Đó là vụ sụp đổ của sàn giao dịch FTX.
FTX từng là tên tuổi lớn của ngành tiền số, được điều hành bởi Sam Bankman-Fried (30 tuổi). Tuy nhiên, vào tháng 11, công ty đã phá sản với khoảng 8 tỷ USD tiền của khách hàng bị bốc hơi. Các nhà chức trách Mỹ gọi đó là một vụ lừa đảo lớn kéo dài nhiều năm. Bankman-Fried đã bị bắt và đối mặt với cáo buộc hình sự. Nếu bị kết tội, anh có thể phải ngồi tù đến hết đời.
Vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2021, giá trị thị trường của tất cả các loại tiền số là gần 3.000 tỷ USD, tăng từ mức gần 800 tỷ USD vào đầu năm. Giờ nó đã giảm trở lại khoảng 800 tỷ USD. Giống như nhiều thứ khác, nguồn gốc sự thoái trào của thị trường này cũng do thời đại tiền rẻ và dồi dào (tức lãi suất thấp) đã kết thúc, khiến tâm lý muốn làm gì thì làm cũng không còn.
Phiên An (theo The Economist)