Ông Hà Văn Phúc - giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang - trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về việc thiếu thuốc cục bộ, trang thiết bị y tế ở địa phương - Ảnh: CHÍ CÔNG
Bà Phan Thị Ngọc Cẩm - đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang - chất vấn việc thiếu, thừa giáo viên thì phải chăng địa phương có việc tùy tiện trong tuyển dụng, tinh giản công chức, viên chức. Có giải pháp nào trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Hoàng Thông - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang - cho hay năm học 2022-2023, tỉnh được giao bổ sung thêm 294 giáo viên. Tuy nhiên, so với định mức, ngành giáo dục tỉnh vẫn còn thiếu 986 biên chế và giáo viên dạy từ khối mầm non đến THPT.
Theo ông Thông, việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn tỉnh là có. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thật sự quyết tâm trong việc chỉ đạo, thực hiện sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô trường, lớp, điểm lẻ; chưa có kế hoạch sử dụng giáo viên dài hạn. Số lượng học sinh dao động không theo quy định, tâm lý giáo viên ngại đi xa do nhà cửa đã ổn định gần trường và chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Riêng việc tuyển dụng viên chức, tinh giản biên chế địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật.
"Tới đây, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh đề án vị trí làm việc, kế hoạch tuyển dụng viên chức theo đúng số lượng biên chế được giao, đảm bảo có học sinh thì có giáo viên đứng lớp", ông Thông nói.
Giáo viên dạy tiểu học ở địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện vẫn còn thiếu. Trong ảnh: học sinh ở Trường tiểu học Hồng Bàng, TP Rạch Giá, Kiên Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG
Liên quan đến việc thiếu thuốc cục bộ, trang thiết bị y tế ở địa phương, ông Hà Văn Phúc - giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang - khẳng định việc thiếu cục bộ một vài loại thuốc trên địa bàn tỉnh là có và nguyên nhân là do không có nguồn cung hoặc có sản xuất một số loại thuốc nhưng cung cấp không đủ, không kịp thời. Việc mua thuốc ở địa phương còn chậm trễ.
Riêng trang thiết bị y tế ở tuyến huyện xuống cấp và thiếu, ông Phúc cho biết thêm tháng 7-2021, sở đã khảo sát nhu cầu trang thiết bị y tế của tuyến huyện, xã và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương mua sắm trang thiết bị y tế cho tuyến huyện, xã với tổng kinh phí hơn 300 tỉ đồng.
"Hiện sở đang hoàn thành các thủ tục trong xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế cho các huyện và xã. Việc mua sắm trang bị và xây dựng sẽ hoàn thành trong năm 2023. Sở sẽ chỉ đạo tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương mua thuốc và linh hoạt sử dụng thuốc phục vụ cho người dân đến khám và chữa bệnh tốt hơn trong thời gian tới", ông Phúc nói.
Thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế
Ông Mai Văn Huỳnh - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh - cho biết kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh lần này đã thẳng thắn nhìn nhận một số việc tồn tại, hạn chế và nguyên nhân liên quan đến các lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai ở Phú Quốc, bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng, các loại tội phạm trong tỉnh...
Trong kỳ họp, đại biểu đã quyết nghị thông qua 22 nghị quyết. Các nghị quyết được thông qua này là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
TTO - Tỉnh Kiên Giang vừa có tân chủ tịch HĐND và tân chủ tịch UBND tỉnh, đều nguyên là lãnh đạo huyện đảo Phú Quốc.
Xem thêm: mth.20294242172212202-neiv-oaig-gnud-neyut-naig-hnit-neit-yut-ceiv-oc-gnaig-neik/nv.ertiout