Tại họp báo buổi Họp báo tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, có thể coi vấn đề về ngân hàng SCB là sự kiện nóng của năm 2022 .
“Theo đó, do tác động của những doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân có sai phạm và liên quan trực tiếp với SCB đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền ở ngân hàng này. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phải kiểm soát đặc biệt đối với SCB. Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và tiếp tục từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB", ông Tú nói.
Đánh giá hoạt động ngân hàng trong năm 2022, Phó thống đốc chia sẻ, diễn biến kinh tế năm 2022 là năm có nhiều sự khác thường và đặc biệt trong việc điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Điểm khác biệt này là do thứ nhất, nền kinh tế mới thoát ra 2 năm Đại dịch Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất và nền kinh tế. Tuy đã dự đoán việc khôi phục kinh tế rất khó khăn, nhưng năm nay đã rất tích cực tại nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực.
Thứ hai, xung đột Nga - Ukaraine kéo dài đã ảnh hưởng đến sự luân chuyển hàng hoá, dòng tiền, xuất nhập khẩu trên thế giới.
Thứ ba, chính sách tiền tệ thắt chặt và xu hướng tăng lãi suất trên thế giới khiến giá đồng USD tăng cao gây khó khăn. Theo đó, lãi suất tăng lên làm dòng vốn dịch chuyển và các hoạt động trở nên không bình thường - tác động tới điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và vĩ mô nói chung của Việt Nam.
Trước những vấn đề trên, Phó Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng đã điều hành quyết liệt, linh hoạt để hạn chế được khó khăn và chủ động đưa ra các quyết sách phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Fed đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành.
Về điều hành tín dụng, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
Đặc biệt là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc cho biết tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Về tổng thể, mức tăng lãi suất tiền gửi khoảng 0,77%/năm, còn lãi suất cho vay 0,81%/năm, thấp hơn rất nhiều so với các nước. Đến nay tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13%.