"Rất vất vả" - Phó thống đốc Đào Minh Tú nhắc tới không dưới hai lần trong cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng hôm qua (27/12), để nói về việc điều hành tín dụng, lãi suất và tỷ giá năm qua, đặc biệt trong ba tháng cuối năm.
Theo Phó thống đốc, kinh tế trong nước, vốn đang bắt đầu vực dậy sau hai năm đại dịch, phải đối mặt với hàng loạt "cơn gió ngược". Căng thẳng Nga - Ukraine thúc đẩy "cơn bão" giá hàng hóa toàn cầu, khiến lạm phát lên cao kỷ lục. Nối tiếp là sự xoay trục về chính sách điều hành theo hướng "diều hâu" của ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Tuần đầu tiên của tháng 6, chỉ có 3% nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75%. Nhưng điều này đã xảy ra chỉ vài ngày sau đó. Liên tiếp các tháng tiếp theo, cơ quan này tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất nhiều thập kỷ, khi lạm phát của Mỹ đạt đỉnh hơn 40 năm. Lạm phát tăng cao cũng khiến quan điểm "diều hâu" lan rộng trên toàn cầu.
"Chúng ta rất khó đi ngược dòng chảy chung", ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, nhận xét.
Trong nước, diễn biến bất ổn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khiến áp lực với hệ thống ngân hàng càng tăng lên. Công tác điều hành trở thành bài toán khó với Ngân hàng Nhà nước, khi vừa phải cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng, vừa phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Lúc này, cơ quan điều hành phải đưa ra lựa chọn.
Chỉ tiêu đầu tiên vượt lằn ranh là tỷ giá. Việc Fed liên tục nâng lãi suất dẫn tới đồng bạc xanh tăng giá mạnh, chỉ số Dollar Index đạt mức đỉnh hai thập kỷ. Trong nước, tỷ giá USD/VND bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 8. Tâm lý kỳ vọng của thị trường đẩy tỷ giá tăng liên tục, có những ngày ngân hàng thay đổi biểu tỷ giá giao dịch theo từng giờ.
"Điều hành tỷ giá là cả một câu chuyện rất vất vả", Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ về công tác điều hành trong ba tháng gần nhất. Để ổn định thị trường, lãi suất điều hành, tỷ giá trung tâm và biên độ giao dịch lần lượt được điều chỉnh.
Ngày 22/9, lần đầu tiên sau hai năm, Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. Tuy nhiên, động thái này không khiến thị trường hạ nhiệt.
Giữa tháng 10, biên độ tỷ giá giao ngay giữa tiền đồng và USD được nới từ 3% lên 5%. Đồng thời, cơ quan điều hành lần thứ ba tăng giá bán USD cho các nhà băng chỉ trong vòng một tháng. Tỷ giá vẫn tiếp tục leo dốc. Trên thị trường chính thức, các nhà băng giao dịch ở mức cao nhất trong biên độ cho phép. Trên thị trường tự do, lần đầu tiên 1 USD được giao dịch ở mức 25.000 đồng.
Một lần nữa công cụ lãi suất được sử dụng. Một tháng sau lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước nâng tiếp lãi suất điều hành, đồng thời trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng cũng tăng tiếp từ 5 lên 6% - bằng mức trước dịch và tương đương giai đoạn năm 2014.
Nếu giữ lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối, theo giải thích của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội cuối tháng 10.
Động thái mạnh tay từ Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu với thị trường rằng, trong ngắn hạn, ổn định thị trường ngoại hối là vấn đề được ưu tiên. Yếu tố thúc đẩy tỷ giá tăng liên tục thời điểm đó là tâm lý kỳ vọng, vì thế, được khống chế.
Ổn định được tỷ giá, chính sách tiền tệ đánh đổi bằng việc tăng lãi suất. Nhưng lúc này, một vấn đề khác xuất hiện là nút thắt về dòng vốn cho nền kinh tế.
Các kênh dẫn vốn bị nghẽn đồng thời, gồm thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, dồn áp lực lên kênh tín dụng. Tuy nhiên, "quota" tăng trưởng của nhiều nhà băng đã chạm trần ngay từ giữa năm, khiến việc mở rộng gặp khó khăn. Doanh nghiệp "khát vốn" trông chờ vào ngân hàng, nhưng "cạn room" khiến các nhà băng không thể cho vay.
Những đề xuất nới room tăng trưởng tín dụng, cấp thêm hạn mức cho các ngân hàng liên tục được các hiệp hội cho tới doanh nghiệp nhắc đến. Các nhà băng cũng chung mong muốn để xử lý những hồ sơ cho vay tồn đọng. Nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu đầu năm, những đợt điều chỉnh room tín dụng từng ngân hàng chỉ là phân bổ lại từ mục tiêu ban đầu.
Lý do của sự kiên định này, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, là bởi lạm phát. Nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu xoay trục theo hướng "diều hâu" là lo ngại rủi ro lạm phát. Kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ nhưng độ mở rất lớn, đạt gần 200% GDP, vì thế áp lực nhập khẩu lạm phát luôn ở mức cao. "Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu cung ứng đủ nguồn vốn cho nền kinh tế nhưng không vì thế mà chủ quan với lạm phát", Vụ trưởng Chính sách tiền tệ nhận xét.
Phải tới đầu tháng 12, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ mới chính thức nới room tín dụng. Quyết định mở rộng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5-2% dù năm 2022 chỉ còn chưa tới một tháng khiến thị trường đặt câu hỏi. "Không phải do áp lực từ phía doanh nghiệp, mà do Ngân hàng Nhà nước nhận thấy các mục tiêu lớn đã được đảm bảo", Phó thống đốc Đào Minh Tú giải thích.
Theo ông, năm 2023, lạm phát sẽ vẫn là chỉ tiêu quan trọng hàng đầu quyết định việc điều hành chính sách tiền tệ.
Vụ trưởng Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cũng cho rằng, trong năm tới mức độ tác động dữ dội, nhanh, mạnh của các biến số sẽ không như năm 2022. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát sẽ vẫn là một vấn đề phải theo dõi chặt. "Định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước là không chủ quan với lạm phát, với mục đích xuyên suốt vẫn là duy trì tính ổn định, bền vững, hoạt động an toàn, lành mạnh", ông Quang nhận xét.
Minh Sơn