"Hồi đầu tháng 12-2022, sau khi giảng bài "Ứng phó với tâm lý căng thẳng", một nam sinh lớp 7 đã lên gặp tôi và bộc bạch: Dạ thưa cô, con thấy có hình ảnh của con trong bài giảng của cô" - cô H., giáo viên môn GDCD một trường THCS nổi tiếng ở TP.HCM, kể.
Nhiều bậc cha mẹ đã nhầm lẫn giữa thi đua và ganh đua khi dạy con "Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly". Chính quan điểm sai lệch này đã khiến nhiều học sinh đố kỵ, ganh ghét, nói xấu bạn khi thấy bạn học giỏi hơn mình. Tôi đã phải đưa nội dung này vào bài giảng của mình, rằng các con học tập không phải để hơn bạn mà học tập để hơn bản thân mình của ngày hôm qua.
Trần Tuấn Anh (giáo viên môn GDCD Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM)
Bị la vì chỉ được... 9,5 điểm
Cô H. kể tiếp: "Nam sinh ấy tâm sự với tôi: Vừa rồi con được 9,5 điểm môn tiếng Anh mà mẹ con la con quá chừng. Ba con cũng nói thêm rằng con đừng làm mất mặt ba mẹ, đừng làm mất truyền thống hiếu học và học giỏi của cả gia đình. Mấy câu này con nghe hoài, nghe đến thuộc lòng. Con học thêm nhiều lắm cô ơi. Vì thế nên con rất mệt mỏi. Đợt rồi con bị bệnh, sụt mất mấy cân, hai mắt thâm sâu nè cô. Những lúc bị la như vậy là đầu con chỉ có duy nhất một suy nghĩ: bỏ nhà ra đi. Không ngờ đúng lúc ấy thì một nữ sinh khác sau khi nghe câu chuyện của bạn mình thì phụ họa: Mình cũng bị la y như bạn. Mà bạn đỡ hơn mình. Chứ mình thì mỗi lần nghe bố mẹ giảng đạo phải học thật giỏi, học để đừng thua kém bạn bè là mình chỉ muốn tự tử chết đi luôn".
Tương tự, cô Th. - giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở một quận vùng ven TP.HCM - cho biết: "Sau đợt kiểm tra giữa học kỳ 1 vừa rồi, có em học sinh lên gặp tôi khóc nức nở. Tôi hỏi: Vì sao con khóc? Em nói: Vì đợt kiểm tra này con chỉ đứng nhì khối 9 mà không phải là nhất khối. Ba mẹ la mắng con thậm tệ, con khổ quá cô ơi".
Trong buổi tọa đàm "Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh" do Phòng GD-ĐT quận 3 (TP.HCM) tổ chức mới đây, ông Đoàn Hữu Khánh - hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3 - nêu ý kiến: "Trong số những học sinh đến phòng tư vấn tâm lý của trường chúng tôi, có hai học sinh tâm sự là em không muốn sống nữa, em muốn tự tử. Khi chúng tôi tìm hiểu thì được biết học sinh muốn tự tử là do bị phụ huynh ép học quá nhiều, thậm chí bị đánh, mắng vì kết quả học tập không đạt được như kỳ vọng của ba mẹ".
Bài học xương máu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên môn GDCD Trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM), thông tin: "Những lần đi giảng bài chính khóa và ngoại khóa, tôi đã gặp nhiều trường hợp như kể trên. Điều đáng lo ngại nhất là số lượng học sinh bị ba mẹ ép học hành đến mức căng thẳng ngày càng nhiều hơn, mức độ ngày càng trầm trọng hơn".
Thông qua kết nối của một chuyên gia tâm lý, người viết bài này đã được nói chuyện với chị N.H.A., phụ huynh hiện có con đang học lớp 11 ở TP.HCM.
"Tôi khẳng định là chưa bao giờ vợ chồng tôi la mắng con vì kết quả học tập không tốt. Chúng tôi chỉ động viên cháu là hãy cố gắng học, đừng để thua kém bạn bè, đừng làm cho ba mẹ buồn lòng, ông bà xấu hổ vì con học dở, hãy noi gương ba mẹ để có thể đậu vào ĐH y dược và trở thành bác sĩ giống ba mẹ. Tôi đã từng rất lạc quan khi con trai luôn là học sinh tiêu biểu của lớp, của trường suốt từ lớp 1 đến lớp 7. Đến lớp 8, cháu học hành sa sút nên tôi lo lắng, khích lệ con nhiều hơn. Không ngờ đến lớp 9 thì cháu bị trầm cảm. Tôi sốc nhất là khi đi tư vấn tâm lý, con nói là rất ghét ba mẹ, chính ba mẹ đã gây áp lực học hành, ép con phải học thêm suốt những ngày trong tuần. Con nói chỉ muốn thoát khỏi cái gia đình suốt ngày chỉ có học và học" - chị A. tâm sự.
Chị A. nói tiếp trong sự xót xa: "Qua sự phân tích của chuyên gia, tôi mới biết những lời động viên không đúng cách của mình, chính sự định hướng một cách thái quá (như tìm giáo viên giỏi và cho con đi học thêm để không thua kém bạn bè) của vợ chồng tôi đã khiến con trai không muốn tồn tại trên đời này nữa. Rất may là chúng tôi đã kịp thời phát hiện và sửa đổi. Đây là bài học xương máu trong quá trình dạy con của mình. Hiện chúng tôi để con thoải mái học tập ở một ngôi trường THPT bình thường với ước mơ làm đầu bếp".
Không chỉ có học và... học
Những học sinh bị cha mẹ áp đặt, ép học thêm, kỳ vọng phải học thật giỏi thường sẽ rơi vào hai tình huống: một là các em nhẫn nại chịu đựng trong sự khổ sở, mệt mỏi; hai là các em chỉ chịu đựng một thời gian rồi "bung" luôn: chống đối ba mẹ, làm ngược lại những mong muốn của ba mẹ, thậm chí có em tự tử để giải thoát bản thân.
Trên thực tế, không phải cứ học sinh học giỏi là sau này sẽ thành công và hạnh phúc. Các phụ huynh nên hiểu điều này để có cách hỗ trợ con trong học tập một cách đúng đắn hơn. Hãy giúp con nhận ra điểm mạnh điểm yếu của bản thân, giúp con xác định mục tiêu học tập cũng như hành trình mà con cần phải trải qua để đạt được mục tiêu ấy.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh: con đường học vấn là con đường gập ghềnh chứ ít khi suôn sẻ, thuận lợi. Do đó, phụ huynh cần chấp nhận thực trạng này đồng thời dạy con biết chấp nhận những lúc con thất bại, biết trân trọng bản thân mình. Độ tuổi của học sinh phổ thông không chỉ có học và học, các em cần vui chơi - giải trí, dành thời gian rèn luyện kỹ năng sống, duy trì các mối quan hệ với bạn bè, người thân...
ThS tâm lý NGUYỄN THỊ MỸ LINH
Thực trạng đáng báo động là nhiều trẻ vị thành niên thường xuyên thực hiện các hành vi hủy hoại bản thân như tự gây thương tích nhằm tự sát, có suy nghĩ và lên kế hoạch cho cái chết.
Xem thêm: mth.89954257082212202-ior-mal-iom-tem-noc/nv.ertiout