Đó là một trong những quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Toạ đàm “Triển vọng kinh tế 2023: Thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực” do Trường đại học Kinh tế - Luật tổ chức vào chiều nay, ngày 28-12.
Bức tranh kinh tế sáng tối đan xen
TS. Phạm Thị Thanh Xuân – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ Ngân hàng – ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết đà phục hồi của TP.HCM ở các quý trước đã chững lại ở quý IV năm nay. Nền kinh tế của TP.HCM dù có cải thiện sau đại dịch Covid-19, nhưng sức khỏe vẫn chưa thể quay trở lại so với giai đoạn năm 2019, khi chưa có đại dịch.
"Điều này có thể được đánh giá qua mức tổng cầu giảm; sức mua bán lẻ cũng giảm; các ngàng vốn là lõi tổng cầu của kinh tế TP như ngành lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa, giáo dục, gỗ, vật liệu xây dựng và hàng hóa khác cũng đều giảm mạnh" - bà Xuân nêu rõ.
TS. Phạm Thị Thanh Xuân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Tuy nhiên, kinh tế TP cũng có nhiều điểm sáng, điển hình là cơ cấu FDI có sự thay đổi lớn và tích cực so với 2019. Cụ thể, FDI thu hẹp ở khu vực thâm dụng lao động, và xuất hiện sự dịch chuyển mạnh vào khu vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ. Hiện tượng dịch chuyển này ngày càng tích cực, riêng năm 2022 tăng gấp 6 lần so với 2021 và 1,2 lần so với 2019. Điều này phù hợp với định hướng phát triển chú trọng vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, các ngành kinh tế giàu chất xám của TP.HCM.
Ở khu vực sản xuất công nghiệp xuất hiện những khó khăn, thách thức do hệ lụy của giai đoạn hậu đại dịch. Các ngành sản xuất chủ lực như sản xuất điện tử, vi tính; sản xuất khoáng phi kim loại; và chế biến gỗ tính đến tháng 11 năm nay đều ghi nhận sự sụt giảm. Điều này khiến một số chuyên gia lo ngại, đòi hỏi TP cần nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nếu muốn thúc đẩy các ngành mũi nhọn có thể trở lại trạng thái ổn định như trước khi có dịch.
Lạc quan vào quý II năm 2023
Nhìn nhận một cách tổng thể, TS. Phạm Thị Thanh Xuân cho rằng nền kinh tế TP dù đang rơi vào giai đoạn xuất hiện những thách thức. "Nhưng nói như vậy không phải để tô xám bức tranh kinh tế, bởi những khó khăn đó chúng ta có thể dự đoán được, phân tích được, từ đó quyết tâm tìm kiếm cái giải pháp để có thể chủ động trong công tác điều hành nền kinh tế. Các dự báo cho thấy tăng trưởng có thể khó khăn ở quý I, nhưng sự phục hồi sẽ trở lại vào quý II năm 2023 nếu chúng ta hành động thích hợp" - bà Xuân chia sẻ.
TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng nếu nhìn lại nền kinh tế TP trong năm qua, có thể thấy các chương trình phục hồi kinh tế của TP đã thành công hơn mong đợi, vượt các mục tiêu đã đặt ra. Cụ thể là tăng trưởng kinh tế, phục hồi doanh nghiệp, phục hồi dịch vụ, đặc biệt là dòng đầu tư, dòng lao động đến TP.HCM... đều chuyển biến và đạt các kết quả tích cực.
TS Trương Minh Huy Vũ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
"Trong suốt 11 tháng qua, TP.HCM đã đăng cai tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện kinh tế-xã hội có quy mô trong nước lẫn quốc tế. Từ các hội nghị kinh tế số, các sự kiện du lịch đến các hoạt động liên quan thu hút đầu tư... Điều này giúp tăng nội lực của TP trong bối cảnh tình hình trong nước lẫn khu vực và thế giới có một số biến động, thách thức. Tôi cũng đồng tình rằng TP gặp khó khăn vào quý IV năm nay và khó khăn này có thể kéo dài đến hết quý I năm 2023. Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng đã tiến hành phân tích, đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TP, gồm một kịch bản tăng trưởng cơ sở, một tăng trưởng cao và một tăng trưởng thấp. TP hiện đã chọn kịch bản tăng trưởng năm 2023 là khoảng 7,5 đến 8%." - Ông Vũ nói.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng lưu ý thêm: "Mục tiêu tăng trưởng 7,5 đến 8% trong bối cảnh kinh tế TP nói riêng và cả nước nói chung đã "hụt hơi" do dịch trong suốt 2 năm 2020-2021, cùng với tình hình khó khăn của khu vực và thế giới, là không dễ hoàn thành. Nhưng TP.HCM quyết tâm thực hiện. Với các cảnh báo, lưu ý về khó khăn, thách thức mà nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thanh Xuân và các chuyên gia khác đã đưa ra, chúng ta thấy rằng TP cần tập trung và quyết liệt hơn nữa với các giải pháp đã đề ra trong năm tới nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra".
Khai thông nhiều lĩnh vực kinh tế tiềm năng
Chủ trì tọa đàm, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế-Luật (ĐHQG TP.HCM), cũng đồng tình rằng năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí những rủi ro đáng kể với nền kinh tế. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, dự báo sớm để TP có thể nhận diện chính là tín hiệu đáng mừng.
“Chúng ta cần biết sớm để có tâm lý và sự chuẩn bị chu đáo, hiệu quả. Các nguy cơ và rủi ro có thể được quản lý, đẩy lùi bằng một số giải pháp, khuyến nghị được thực hiện. Trong đó, một khuyến nghị tôi cho rằng rất quan trọng đó là tiếp tục gói giảm 2% VAT vì đây là gói phát huy tác dụng tích cực nhất trong giai đoạn có dịch” – Ông Khánh nói.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Vị này chia sẻ thêm trong bối cảnh nền kinh tế TP nói riêng và Việt Nam nói chung đối diện nhiều thách thức, cái giá để chúng ta có thể duy trì tăng trưởng rất “đắt” và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chính quyền TP, các ngành, các cấp và cả khối doanh nghiệp, người dân. “Tôi nghĩ TP cần cần xây dựng kịch bản ổn định kinh tế, và tìm cách để tạo bộ đệm giảm sốc. Song song đó, cần rà soát các nguồn lực để có phương án lựa chọn, từ đó kiến tạo động lực phát triển” – ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Khánh cũng đề cập một số khu vực kinh tế tiềm năng, thuộc nội lực của thành phố, như luật đầu tư mạo hiểm ở khu vực kinh tế khởi nghiệp; giá dịch vụ giáo dục hay giá dịch vụ y tế ở khu vực công. “Cần có giải pháp hành lang pháp lý, khuôn khổ quản trị để khai thác tiềm năng từ các khu vực này” – ông Khánh cho biết thêm.
Nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công
Tại tọa đàm, có ý kiến quan tâm đến vấn đề đầu tư công, vốn được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế TP năm 2023. Nhiều ý kiến cho rằng vốn đầu tư công liên tục rơi vào tình trạng chậm giải ngân và lặp lại hết năm này qua năm khác.
Đề cập đến giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 trở nên mạnh mẽ hơn, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Hiện nay vướng mắc trong đầu tư công có rất nhiều, nhưng nổi cộm nhất là khó khăn liên quan đến Luật đất đai. Nhưng việc sửa đổi Luật đất đai cần thời gian và trình qua 3 kỳ Quốc hội. Thứ hai là trong đầu tư công thì có nơi giải ngân tốt và có nơi giải ngân không tốt. Vậy thì hiện nay có những quy định là nơi giải ngân đầu tư công tốt và cần vốn nhưng lại không được điều chỉnh bổ sung vốn từ nơi đang giải ngân chậm. Hiện nay các cơ quan Nhà nước cũng đang rốt ráo tìm các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc hàng loạt này”.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Thị Thanh Xuân cũng thừa nhận vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là do khâu giải phóng mặt bằng. Nhưng không có câu chuyện giải phóng mặt bằng nào giống nhau giữa các tình huống. Ngoài ra, đầu tư công còn vướng ở câu chuyện định giá do hành lang pháp lý còn chật hẹp. Cho nên rất khó để tìm một giải pháp chung cho từng trường hợp cá biệt. Để tìm hướng ra cho mỗi một vướng mắc mang tính đặc thù trong việc giải ngân vốn đầu tư công thì không nên dồn hết lên cho chính sách chung cần rộng cửa cho từng địa phương đưa ra phương án xử lý đối với từng tình huống cụ thể.
Cung và cầu trong nhân lực chất lượng cao khó gặp nhau
Liên quan đến thắc mắc vì sao nhân lực chất lượng cao luôn trong tình trạng khan hiếm. Trao đổi về vấn đề này TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng nhận định nhân sự chất lượng cao thiếu hay thừa là tuỳ thuộc vào góc nhìn của từng người. Đối với tôi, tôi nhận thấy nhân lực chất lượng cao còn thiếu là do Việt Nam đang thu hút được đầu tư lớn từ nước ngoài, khi nhu cầu tăng cao đột ngột thì khả năng cung ứng lao động chất lượng cao ngay lập tức là việc rất khó, bởi cái gì cũng có quá trình của nó. Mặc dù hiện nay, các trường đại học đã mở rộng quy mô đào tạo nhân lực công nghệ thông tin nhưng vẫn không kịp đáp ứng được bởi nhu cầu kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam đang quá lớn.
Nhưng quan trọng là thị trường phải phát tín hiệu. Nếu một sinh viên tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin, ra trường có thể kiếm được mức thu nhập dao động từ 40-60 triệu đồng/tháng thì tự nhiên sẽ có nhiều người tìm đến học. Hay như mục tiêu phát triển công nghệ hạt nhân, nhưng sau khi sinh viên học xong ra trường và chỉ nhận được mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng thì rất khó khuyến khích để người ta đi học.
Điều này đã được chứng minh trong ngành tài chính. Đó là thu nhập của ngành tài chính cao thì nhân lực chất lượng cao trong ngành này rất tốt và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Từ góc nhìn của TS. Phạm Thị Thanh Xuân khẳng định nhân lực chất lượng cao ở TP.HCM là có, nhất là nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam muốn sử dụng nhân lực chất lượng cao nhưng lại trả chi phí thấp. Điều này dẫn đến khó thu hút kỹ sư công nghệ thông tin du học ở nước ngoài quay trở về Việt Nam và thậm chí chính những nhân sự chất lượng cao được đào tạo trong nước cũng ra nước ngoài làm việc. Nếu ở Việt Nam được trả đồng lương tương xứng thì lực lượng IT không cần phải tự khởi nghiệp một cách chật vật như hiện nay mà sẵn sàng đầu quân cho môi trường làm việc lớn hơn.
Lãnh đạo của doanh nghiệp cung cấp thiết bị bay không người lái (drone) Hera cho biết: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng khi thị trường phát tín hiệu thì từ doanh nghiệp đến nhân sự, người lao động sẽ tiếp nhận tín hiệu đó. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi vẫn tuyển được nhân tài mặc dù khâu tuyển dụng không dễ dàng. Nhưng nhân sự của Việt Nam trong ngành công nghệ cao hoàn toàn cạnh tranh với nhân sự của thế giới. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam có chi phí thấp, chỉ bằng 1/7 so với Mỹ. Với lợi thế đó, nếu thành phố thúc đẩy đầu tư vào những ngành mang lại giá trị cao thì tất cả những tín hiệu của thị trường từ nhân sự, đào tạo, hạ tầng… sẽ đi theo đồng thời thúc đẩy nền kinh tế của thành phố nói riêng và của cả nước đi theo hướng mang giá trị cao.